Trong chỉ đạo của mình, ngoài việc nêu hiệu quả của việc xử lưu động như góp phần tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe người phạm tội thì chánh án đã chỉ rõ hàng loạt hệ lụy mà việc xử lưu động mang lại.
Đây là điều mà các nhà luật học, luật sư đã theo đuổi hàng chục năm trời với đủ những luận cứ khoa học lẫn thực tiễn. Từ nhiều năm trước báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã có nhiều bài chỉ rõ những hạn chế, tiêu cực, thậm chí vi phạm nguyên tắc bất bình đẳng giữa các bị cáo, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội...
Thực tế đến tận bây giờ luật tố tụng hình sự chưa hề đề cập đến việc xét xử lưu động mà chỉ nêu nguyên tắc “xét xử công khai” và khi cần thiết thì xét xử kín. Chính vì vậy mà các cơ quan tố tụng cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định loại tội phạm nào phải xét xử lưu động mà phụ thuộc vào cảm tính của tòa án. Nó chỉ được đề cập trong các báo cáo của ngành tòa án, xem như một tiêu chí thi đua trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chứng tỏ việc đưa bị cáo ra xử lưu động vốn đã “không chính danh”.
Một phiên xét xử lưu động ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Ngược lại, trong Nghị quyết 08 (năm 2002) và 49 (2005) của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp luôn thống nhất quan điểm “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người…”. Trong hai nghị quyết quan trọng này không hề đề cập đến trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân là nhiệm vụ của ngành tòa án, vậy hà cớ gì phải áp chỉ tiêu cho tòa mà chưa thể đong đếm hiệu quả của nó?
Vì vậy, việc dừng xử lưu động chỉ là hiện thực hóa quan điểm tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong xét xử của hai nghị quyết nêu trên.
Thực tế, nhiều thẩm phán sau khi xử lưu động đã chỉ rõ: Việc đưa vụ án ra xử lưu động đã tạo ra sự bất bình đẳng, xúc phạm đến nhân phẩm của bị cáo, chưa thực sự tôn trọng quyền con người.
Chưa hết, nó còn vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội vì một khi đưa ra xét xử lưu động là các cơ quan tố tụng, đặc biệt là tòa án đã ngầm kết tội trước khi xét xử. Thực tế cho thấy rất hiếm khi tòa án tuyên trả hồ sơ hoặc không bao giờ tuyên án oan khi xét xử lưu động. Nó đồng nghĩa với việc các luận cứ của luật sư và bản thân bị cáo có cảm giác ít được lưu tâm vì tòa đã ngầm mang định kiến là phải xử nghiêm. Nó cũng mâu thuẫn với tinh thần của pháp luật hình sự là không ai bị coi là có tội nếu chưa có quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án.
Đành rằng khởi thủy của việc xét xử là công khai và nó có từ thời La Mã cổ đại. Lúc ấy các thẩm phán (tăng lữ) đưa người được xem là phạm tội đến các cổng ra vào của các thành thị để xét xử chỉ với mục đích là cho người dân ý thức về công lý được thực thi. Đến nay nhân loại vẫn duy trì việc xét xử công khai nhưng đã tiến dài trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, hà cớ gì còn mang bị cáo ra để trình diễn trước công chúng, vô tình xúc phạm nhân phẩm của họ.
Công bằng giữa các bị cáo, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, không định kiến trước khi có phán quyết… thông qua hình thức xét xử cũng là một trong các thành tựu văn minh pháp lý trong tố tụng hình sự.
Xét xử lưu động vốn không chính danh nên xóa bỏ nó không chỉ các cơ quan tố tụng mà xã hội đều đồng tình. Cùng với việc bố trí ghế ngồi của luật sư, công tố viên... trong phiên tòa thì việc xóa bỏ hình thức xét xử lưu động như một nét son trong tố tụng hình sự, tiến gần hơn với văn minh pháp lý nhân loại.