Đường hoa Cần Thơ năm 2018 với chủ đề Cần Thơ mừng xuân mới sẽ khai mạc vào tối nay 12-2 (nhằm ngày 27 tháng Chạp) và sẽ mở cửa cho người dân vào tham quan từ tối nay kéo dài đến ngày 20-2 (tức mùng 5 Tết).
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trong ngày 12-2, các công đoạn cuối cùng đang được các công nhân gấp rút thực hiện để kịp phục vụ cho lễ khai mạc sẽ diễn ra vào buổi tối cùng ngày.
Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho hay, đường hoa năm nay vẫn thực hiện trên tuyến đường đôi Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học, chiều dài 310m. Đường hoa được kết cấu bởi cổng chính, cổng phụ và bốn đoạn mô hình, tiểu cảnh hoa theo phương pháp nghệ thuật sắp đặt, sử dụng các loài hoa thật làm nền…
Cổng chính với mô hình linh vật là một chú chó biết chuyển động (quay đầu sang trái sang phải) nhìn vui mắt. Ảnh: NN
Cụ thể bốn đoạn mô hình, tiểu cảnh gồm: Đoạn 1 “Bác Hồ và mùa xuân đất nước”. Đây được xác định là điểm nhấn thứ hai sau cổng chính, nhắc nhở về kỷ niệm 50 năm tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968-2018), thực hiện mệnh lệnh của Bác Hồ mở màn chiến dịch, rồi tiếp bước đi đến ngày toàn thắng vẻ vang, để đất nước có được những mùa xuân thanh bình, phát triển như hôm nay.
Đoạn 2 “Tây Đô và những công trình mới”. Cụ thể gồm bốn công trình tiêu biểu là Khu tưởng niệm lãnh tụ Châu Văn Liêm, Khu lưu niệm soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Hồ Bún Xáng và Khu nghỉ dưỡng Cồn Ấu.
Đoạn 3 “Du xuân đồng bằng – Cần Thơ” với ý nghĩa mời du khách đến các điểm du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn, kết hợp phong tục ngày tết cổ truyền…
Đoạn 4 gồm hai phần là “Truyền thuyết tết xưa” và “Tết ở đảo xa”. Phần Truyền thuyết tết xưa gồm các tiểu cảnh Lang Liêu dâng bánh vua Hùng; Xếp đặt hình tượng những quả dưa hấu to, khắc hoa văn nhắc nhở truyền thuyết Mai An Tiêm ra đảo trồng dưa; Đưa ông Táo về trời.
Phần Tết ở đảo xa tái hiện một vài sinh hoạt đón tết của các chiến sĩ nơi đảo xa, qua các tiểu cảnh: Cột mốc chủ quyền, Hoa xuân trên đảo, Bánh chưng gói lá bàng vuông.
Một nét chấm phá của đường hoa năm nay là hồn quê mộc mạc được tái hiện qua nhiều chi tiết như ruộng lúa nép mình bên hàng dừa nước, cây chuối trổ buồng bên cây rơm, chen lẫn cúc vàng, xa xa là cây mai, mái nhà nam bộ... Hay một ao sen nhỏ chở một thuyền hoa cúc vạn thọ. Tất cả tạo nên một nét xưa dịu dàng, lưu giữ chút hồn quê giữa phố thị.
Những bụi lúa đương thì con gái nép mình dưới hàng dừa nước gợi chút nhớ quê xa của không ít người phố thị hôm nay. Ảnh: NN
Và cây chuối đang trổ buồng bên cây rơm, chen lẫn cúc vàng, xa xa là cây mai, mái nhà nam bộ... Tất cả tạo nên một nét xưa dịu dàng, lưu giữ chút hồn quê giữa phố thị. Ảnh: NN
Một số hình ảnh về những công nhân đang hối hả, tất bật cho những công đoạn cuối cùng ở đường hoa để kịp giờ mở cửa đón khách tham quan vào buổi tối nay (12-2) và những hỉnh ảnh nổi bật tại đường hoa năm nay:
Tiếp tục dặm hoa tươi vào những nơi còn thiếu. Ảnh: NN
Để giữ hoa tươi, mỗi ngày công nhân phải tưới nước hai lần. Ảnh: NN
Một gian hàng sách tham gia tại đường hoa. Ảnh: NN
Cổng hoa tạo hình mái vòm...
rất thích hợp để người dân vào tham quan và có những kiểu hình đẹp cho mùa xuân năm nay. Ảnh: NN
Mô hình các chú chó tấu nhạc tài tử. Ảnh: NN
Tạo hình chim công từ trái cây với lông đuôi chuyển động nhìn khá sinh động. Ảnh: NN
Tiểu cảnh về sự tích Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày thời Vua Hùng. Ảnh: NN
Linh vật hai chú chó màu xanh phía cổng phụ của đường hoa. Ảnh: NN
Tiểu cảnh đám cưới miệt vườn ở khu vực giữa đường hoa. Ảnh: NN
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được dựng tại đường hoa...
và Đội Hoàng Sa kiêm quân quản Bắc Hải - Triều Nguyễn trong chuỗi tiểu cảnh Tết đảo xa tại đường hoa. Ảnh: NN