Em bé sún răng hát xẩm như thần

Tú Thanh trong một tiết mục biểu diễn. (Nguồn: Kenh14.vn)

Khi nghe Tú Thanh hát, không ai nghĩ đây là một cô bé mới sáu tuổi bởi cách em luyến láy, nhả chữ lẫn điệu nhạc em thích đều của những cụ ông, cụ bà thế kỷ trước thường nghe.

Học cụ Hà Thị Cầu qua YouTube

Cô bé sáu tuổi Tú Thanh đã làm khán giả lẫn giám khảo chương trình Người hùng tí hon phải ngả mũ bái phục ở rất nhiều tiết mục. Như trong tập 7 của chương trình, khi Tú Thanh hát xẩm và tự ngồi đàn đàn nhị, rất nhiều lần em đã làm khán giả sởn gai ốc và vỗ tay không ngớt. Bởi không ai nghĩ một cô bé sáu tuổi có thể luyến láy đúng và hơn cả là đầy xúc cảm những “Đắng cay tủi nhục, phận nghèo xót xa, vợ lìa chồng… mẹ kể ra càng cay đắng xót xa… ảm đạm một màu”. Giọng em khi nhấn nhá “xót xa”, “ảm đạm”, “cảnh bần hàn”… với tiếng đàn nhị réo rắt và khuôn mặt đầy biểu cảm ảm đạm khiến những người vốn không phải “fan” của hát xẩm cũng phải dừng lại lắng nghe.

Theo lời kể của chị Bùi Thanh Huế (mẹ của Tú Thanh), thì từ chín tháng Tú Thanh đã nói chuyện rõ ràng, rành mạch. Chị Huế nói vui về con: “Trong nhà, tôi và cha cháu có nghe chèo, quan họ, xẩm… vì chúng tôi thích nghe nhưng không nghĩ cháu cũng thích như vậy. Tôi còn nhớ bài hát đầu tiên cháu hát lúc tầm ba tuổi là bài Bàn tay mẹ chứ không phải là một ca khúc vui nhộn thiếu nhi nào. Bà này già lắm ạ!”.

Cha mẹ ở nhà mở nhạc nghe như thói quen nhưng không ngờ rằng có ngày con gái bé nhỏ của mình lại thích dòng nhạc đó. “Bất ngờ nhất là khi cháu tầm năm tuổi, tôi mở coi cụ Hà Thị Cầu hát qua YouTube, cháu coi rồi thích và cứ mở tiếp những clip khác của cụ Hà Thị Cầu để nghe” - chị Bùi Thanh Huế kể.

Trước khi đến với sân chơi Người hùng tí hon, Tú Thanh hoàn toàn chỉ tập nhạc qua YouTube. “Học trên YouTube con phải tua đi tua lại nhiều, con thích được học với thầy cô hơn” - Tú Thanh chia sẻ.

Tú Thanh trong tiết mục Cô đôi thượng ngàncủa chương trìnhNgười hùng tí hon sẽ phát sóng vào tối 24-9 trên kênh HTV7. Ảnh: Điền Quân E&M

Nhuần nhuyễn đàn nhị trong một tuần

Tuy nhiên, khán giả sẽ còn bất ngờ hơn khi biết rằng để đàn được đàn nhị nhuần nhuyễn khi hát xẩm trong chương trình, Tú Thanh chỉ tập trong vòng một tuần. “Trước đây ở nhà cháu có được cho học phách để chơi cho biết nhịp phách, đến khi vào chương trình, khi hát xẩm cần đàn nhị, cháu đã được các thầy cô trong chương trình tập trong một tuần để trình diễn đàn nhị hát xẩm” - chị Bùi Thanh Huế cho biết.

Nếu chỉ nghe Tú Thanh hát cứ ngỡ một người nào đó đã già dặn trải đời lắm nhưng khi nhìn vào tivi, dưới khăn vấn, áo yếm là hàm răng sún của cô bé thì ai cũng ngỡ ngàng. Và nếu chỉ trò chuyện với Tú Thanh về những điệu hát thì Tú Thanh như một bà cụ non có thể huyên thuyên về ý nghĩa bài hát như thế nào cho người nghe. Nhưng nếu hỏi về những ngày đi học thì Tú Thanh lém lỉnh như một cô bé tí hon: “Nhà con có hai chị em, chị con học lớp 6 và học giỏi lắm, con cũng chỉ có học giỏi nhất lớp thôi ạ”.

Thực tế trong rất nhiều chương trình truyền hình, khán giả chứng kiến nhiều tài năng nhí về biểu diễn nhưng với Tú Thanh, khi diễn hát xẩm, hát xoan, ca trù… khuôn mặt em là sự say mê. Ở Tú Thanh người ta có thể thấy em mê những điệu hát truyền thống như những trẻ em khác mê đồ chơi, búp bê…

Nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật truyền thống

Tú Thanh không phải là gương mặt đầu tiên chọn nghệ thuật truyền thống trong các chương trình truyền hình. Trước Tú Thanh, chương trình Người hùng tí hon từng chứng kiến Nguyện Thu (11 tuổi) đăng quang quán quân trong mùa đầu tiên cũng là một tài năng âm nhạc dân tộc mà cụ thể là nhiều loại nhạc cụ hay đờn ca tài tử. Chương trình Vietnam’s Got Talent 2015 quán quân là Đức Vĩnh (tám tuổi) cũng là một tài năng âm nhạc dân tộc… Làm sao để sau cuộc thi, các em theo đuổi được đam mê với các loại hình âm nhạc dân tộc?

Để có được điều đó, các em cần những sân chơi để thể hiện năng khiếu và nuôi dưỡng tài năng của mình cho con đường dài hơn. Vẫn chưa nói được con đường dài của Tú Thanh sau này nhưng như lời của người mẹ thì gia đình sẽ luôn ủng hộ nếu em muốn theo dòng nhạc truyền thống như vậy. “Để cho con tiếp tục con đường được đúng và tốt hơn, sau Người hùng tí hon cháu đã bắt đầu đi học thêm ở CLB ca trù của cô Đỗ Quyên tại Hải Phòng” - mẹ Tú Thanh nói thêm.

______________________________

Tú Thanh được giám khảo Đại Nghĩa của Người hùng tí hon gọi vui là Thánh Tu vì chỉ mới sáu tuổi nhưng đã có thể hát thuần thục và điêu luyện các làn điệu dân ca truyền thống như hát xẩm, chèo, xoan, ca trù, vọng cổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm