Chủ động các giải pháp
Khó khăn, thách thức đối với công tác vận hành lưới điện truyền tải mùa nắng nóng năm 2024 khi phụ tải tăng cao và còn nhiều đường dây, máy biến áp vận hành mang tải cao, đặc biệt là lưới điện truyền tải giải tỏa năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cung đoạn truyền tải Trung – Bắc, điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến cung cấp điện. Tuy nhiên, EVNNPT luôn xác định việc đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải là mục tiêu quan trọng nhất, do đó, EVNNPT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Để đảm bảo năng lực truyền tải cung đoạn Trung - Bắc từ Đà Nẵng - Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan, trong công tác quản lý vận hành, EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp và hoàn thành trước 30-4 như:
EVNNPT chỉ đạo các đơn vị lập và thực hiện phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, cho từng đường dây, từng trạm biến áp; đảm bảo hoàn thành khối lượng thí nghiệm định kỳ thiết bị năm 2024; vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý khiếm khuyết thiết bị trạm và đường dây trong các đợt cắt điện nhằm ngăn ngừa phát nhiệt, sự cố; hoàn thành sửa chữa thiết bị theo kế hoạch sửa chữa năm 2024,...
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến cho biết: Để đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện, EVNNPT đã hoàn thành lắp đặt bổ sung 8 giàn tụ bù ngang với tổng dung lượng 375 MVAr tại 8 trạm biến áp 220kV khu vực miền Bắc sớm hơn kế hoạch EVN giao, cụ thể tại các trạm 220kV Quang Châu, Yên Mỹ, Long Biên, Thanh Nghị, Bắc Ninh 3, Hải Hà, Kim Động và Vĩnh Tường. Ngoài ra, EVNNPT đã hoàn thành nâng dung lượng tụ bù tại trạm biến áp 220kV Mai Động và Vân Trì thêm khoảng 31 MVAr tụ bù ngang. Việc hoàn thành các hạng mục trên với dung lượng bù tăng thêm khoảng 406 MVAr đã góp phần đảm bảo vận hành lưới điện miền Bắc trong giai đoạn đầu cao điểm nắng nóng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến cho biết thêm: Để chủ động mùa nắng nóng, EVNNPT đang tiếp tục rà soát các vật tư dự phòng cho các thiết bị chính nhằm đảm bảo sẵn sàng thay thế nhanh nhất khi xảy ra bất thường, sự cố. Đối với máy biến áp, hiện đã chuẩn bị máy dự phòng tại trạm 500kV Quảng Ninh, Hòa Bình, Hiệp Hòa, Thường Tín, Tây Hà Nội, đối với các thiết bị nhất thứ và nhị thứ, EVNNPT đã rà soát thiết bị theo chủng loại để sẵn sàng thay thế khi có bất thường.
Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT đang khẩn trương thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối để tăng năng lực truyền tải Trung – Bắc và đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 6-2024. Cùng với đó, EVNNPT cũng đang tích cực triển khai Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống và các công trình giải toả nguồn điện các khu vực.
Đặc biệt, EVNNPT đã nỗ lực, tập trung triển khai và đã đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ. Việc chuyển đổi số và áp dụng khoa học công nghệ đã thay đổi căn bản công tác quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện truyền tải của EVNNPT.
EVNNPT đã hoàn thành số hóa thông tin lưới điện trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS do EVN xây dựng; hoàn thành số hóa thông tin lưới điện trên nền bản đồ thông tin địa lý GIS và triển khai ứng dụng rộng rãi trong toàn EVNNPT.
EVNNPT đã hoàn thành và triển khai ứng dụng rộng rãi phần mềm quản lý thí nghiệm, phần mềm kiểm tra đường dây ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm kiểm tra trạm biến áp, thay đổi hoàn toàn từ việc thực hiện thủ công sang sử dụng bằng phần mềm; triển khai ứng dụng rộng rãi UAV trong công tác kiểm tra thiết bị đường dây với 245 thiết bị UAV và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh; lắp đặt và khai thác hệ thống quan trắc cảnh báo sét để phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp giảm sự cố do sét; nghiên cứu thử nghiệm hệ thống giám sát nhiệt độ thiết bị, nhiệt độ mối nối trong TBA…
EVNNPT đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng. Trong thời gian tới, EVNNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, trong đó tập trung một số nội dung sau:
Hoàn thiện các phần mềm quản lý thí nghiệm, phần mềm kiểm tra quản lý vận hành đường dây, phần mềm kiểm tra trạm biến áp để đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng hiệu quả UAV, trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh quản lý vận hành đường dây; khai thác hiệu quả phần mềm GIS và các phần mềm chuyển đổi số khác. Triển khai ứng dụng hệ thống giám sát thời gian thực nhiệt độ mối nối, nhiệt độ thiết bị tại một số TBA.