1. Bến đò ông Mười nằm dưới rặng gáo bên lạch Bần. Gọi là bến cho oai nhưng thỉnh thoảng mới có mấy ghe lá, ghe tràm ghé qua, còn thì chỉ có con đò nhà ông đưa khách từ đây lên chợ Vàm Rẫy.
Hồi xưa bến tấp nập lắm, ghe máy, ghe chèo ghé tới nhiều. Từ hồi lạch Bần có mấy cây cầu bắc ngang rồi lộ Cả làm xong, ghe xuồng thưa dần. Hồi đó ông Mười còn thu phí bến, sau này thưa khách quá ông bỏ luôn, khỏi thu. Thành ra ông bất đắc dĩ trở thành người coi ghe không công cho khách. Ông cũng chẳng lấy làm buồn, dầu gì cái bến này cũng nuôi cả gia đình ông từ thời ông sơ, ông cố về Miệt Thứ lập nghiệp.
Cũng có những đêm khó ngủ, ông Mười ra bến sờ gốc gáo, gốc tràm nhẵn thín vì dây buộc ghe. Ông nhớ chuyện hồi trai trẻ. Bà Mười hồi đó ngày ngày đưa rau lên chợ bán, ông ngày nào cũng gặp, thương mà không dám tỏ tình. Cứ trời gần tắt nắng, ông ra bến đò để chờ ngắm bà bấy giờ là cô gái mười bảy, bận bà ba, khăn rằn đội lúp từ dưới bến trở lên. Đôi khi ông vờ tỏ ra thản nhiên nhấc gánh lên bờ giùm bà. Lần đó vắng người, ông làm gan nắm đại tay. Người con gái để yên rồi đỏ bừng rụt lại: “Để em về đi, trễ rồi!”.
Đó cũng là lần đầu tiên ông nắm tay con gái, lần đầu có người xưng em với ông. Sau này thì ông biết thêm một bí mật khi đêm tân hôn nghe vợ nói: “Nhỏ lớn em không xưng em với ai, cũng chưa ai nắm tay em, chỉ được nắm tay và xưng em lần đó, với mình!”.
Năm đứa con của ông Mười không đứa nào theo nghiệp đưa đò. Đứa mở tiệm tạp hóa, đứa mua đất trồng rẫy, đứa nuôi cả trăm con heo thịt. Ông Mười vừa vui vì con cái làm ăn khá, lại vừa buồn. Tụi nó lớn nhỏ đi hết trơn, ông bà ở lại bến đò Duyên, cô cháu gái con lớn của thằng Tư. Sáu mươi mấy tuổi, ông vẫn đưa đò. Có buổi chiều ông cột đò vào gốc bần cổ thụ và chạnh buồn nghĩ rằng ngày nào đó, khi ông không còn đủ sức, cả con đò lẫn cái bến này chỉ còn là dĩ vãng.
Đầu năm, ông Mười bị tai biến nhẹ rồi chân tay cứ yếu dần. Gặp bữa nước ròng, kéo con đò vào bờ cũng khó khăn. Con Duyên giúp ông kéo dây mũi vào, quấn hai lượt dây vào gốc cây rồi gút chặt, thành thạo không thua ông lão đưa đò. Sáng hôm sau, khi mấy bà đi chợ đến gọi, ông nói con Duyên ra kêu mấy bà chịu khó chờ đò dọc dưới Cái Thia lên rồi quá giang. Ông mệt quá!
Duyên nói: “Không được đâu nội, 7 giờ đò dọc mới qua, hàng bông của người ta héo hết. Nội để con đưa cho một buổi, con chạy đò được mà”. Rồi nó quấn lúp cái khăn rằn, đi xuống bến.
Hôm sau rồi hôm sau nữa, Duyên vẫn chạy đò thay nội. Cô gái quấn khăn rằn che mặt chỉ chừa đôi mắt, tay nắm cần lái, tóc búi gọn phía sau. Có điều che gì che, nước da trắng ngần và cái nách áo bà ba chít lưng ong vẫn nói với mọi người Duyên là cô gái đẹp. Chừng một tuần thì cả chợ râm ran về cô lái đò trẻ đẹp ngày nào cũng chạy đò từ lạch Bần lên Vàm Rẫy. Mấy chiếc ghe tràm từ U Minh lên, chạy ngang, mấy anh lái cứ mải mê nhìn. Có bữa cảnh sát đường thủy chạy theo, lệnh cho cô tấp vào để kiểm tra, con đò thì quen mà cô lái thì lạ. Anh cảnh sát hỏi em là cháu ông Mười hả, cô dạ. Anh nói ông Mười có cháu dễ thương ghê. Anh nhắc cô máng áo phao vào hai bên cho khách, rồi cho đi!
Thành lệ mỗi ngày cô chạy hai chuyến lên Vàm Rẫy và hai chuyến về. Sáng chở mấy chị, mấy dì đưa hàng lên rồi rước khách đi chợ về, chiều lại lên đón những người tan chợ. Mấy tháng trời đưa đò, da bắt nắng chỉ hồng lên chớ không rám đi.
2. Duyên quen Quân trong một buổi chiều khi anh từ thành phố xuống. Công ty anh cung cấp con giống cho trại tôm, định kỳ phải xuống khảo sát. Quân tới chợ Vàm Rẫy xế chiều, gửi xe rồi hỏi đường về trại tôm ở lạch Bần. Người ta chỉ đi lạch Bần thì xuống đò cô Duyên.
Anh là người khách cuối cùng. Duyên bảo anh đưa ba lô em sắp cho, để chút nước văng ướt hết. Cô đưa tay kéo anh lên, bàn tay búp măng trắng nuột, chỉ có ngón út tô hồng. Anh thoáng ngạc nhiên khi thấy lòng bàn tay cô ram ráp. Lát sau thì anh hiểu vì sao, khi nhìn cô quay máy nổ và cầm lái...
Đò về đến lạch Bần khi trời sập tối. Còn một quãng xa mới đến trại tôm. Giờ thì anh nhớ ra đã không gọi hẹn vỏ lãi của trại ra đón. Duyên nói anh chờ cô cho khách lên bến rồi sẽ chở anh ra trại tôm. Dọc đường đi, anh ngắm nhìn và phát hiện ra cô rất đẹp.
Chiều hôm sau xong việc ở trại tôm, Quân trở ra khi trời sập tối. Bến hết đò, Duyên vừa đưa khách từ Vàm Rẫy về. Nhìn thấy anh cô nói: “Tối rồi mà ngoài vàm sóng lớn không chạy đêm được, thôi anh ở lại nhà nội em, mai em đưa lên Vàm Rẫy về thành phố”.
Quân tắm ở mái nước sau nhà. Duyên đưa anh cục xà bông và chai dầu gội: “Của em đó, anh xài đỡ nha. Ở nhà ba với ông nội gội xà bông không hà, riết rồi em chỉ mua dầu gội cho mình”.
Tối đó Duyên mang gối ra phản, giăng mùng và dặn: “Anh nằm giữa phản, lăn ra muỗi chích ráng chịu”. Anh bật cười vì hai chữ ráng chịu ngọt ngào và trẻ con.
Sáng hôm sau, anh ngồi bên cạnh Duyên lên Vàm Rẫy. Thỉnh thoảng mấy cái ghe lớn và xà lan chạy ngang tạo sóng khiến con đò tròng trành. Cô hỏi anh còn xuống Lạch Bần nữa hôn. Quân nói tháng sau anh lại xuống. Hồi nào xuống anh gọi em rước nhen. Quân ừ. Duyên nói anh làm việc xong thì cứ ngủ lại nhà nội em rồi em lại đưa lên như hôm nay, nhà rộng rinh lo gì. Quân lại ừ rồi nói anh về nhắn tin cho Duyên. Cô dạ, anh hứa đi. Duyên đưa tay, ngón út tô hồng co lại như nửa vòng nhẫn, móc ngoéo nè!
Bốn tháng trời, Quân đi đi về về lạch Bần, khách hàng nhiều lên nên các chuyến đi cũng dày lên và mỗi lần như thế lại ngủ lại nhà Duyên. Có khi đi cùng mấy cậu kỹ thuật của công ty, cũng có khi anh đi một mình. Cũng không biết từ khi nào cô lái đò bắt đầu thấy nhớ và có cảm giác đợi chờ tin nhắn. Thường chỉ mấy chữ: Hôm nay anh xuống nhé! Vẫn cái mái nước sau nhà, chỉ khác là những lần sau này anh tặng cô mấy chai dầu gội mà anh nhờ cô nhân viên công ty mua giùm, Duyên thì sắp sẵn cho anh cái khăn tắm. Lần đó họ chia tay ở bến chợ Vàm Rẫy, quảy ba lô lên vai, anh nắm nhẹ tay cô và giữ thật lâu: Anh nhớ em. Cô dạ!
Khi anh hôn cô vào cái buổi tối bên lạch Bần đầy đom đóm, Duyên run lên: “Em sợ vợ anh buồn!”. Quân thoáng khựng lại nhưng chỉ một giây sau, anh lại siết lấy đôi vai tròn của cô gái.
3. Em có thai! Duyên nói vào cái ngày Quân xuống trước tết, lúc cô chở anh từ lạch Bần lên Vàm Rẫy để về thành phố. Quân sững người một lát rồi mới nói để anh tính. Cái sững người ấy, dù rất nhanh, cũng đủ cho Duyên nhận ra. Anh sợ phải không? Thật sự thì Quân lo. Anh thương cô, yêu cô, anh có thể hy sinh cho cô nhưng từ bỏ gia đình hay Duyên và vợ anh buộc anh chọn một thì anh không biết mình sẽ phải làm sao. Rồi nói sao với vợ, với cha và nội của Duyên. Nói để anh tính nhưng Quân cũng chưa biết tính thế nào. Anh im lặng ngồi bên cô suốt đường đi, lòng rối bời.
“Vậy em tính sao?”
Quân hỏi xong và thấy mình đã lỡ lời một cách ngu xuẩn và ích kỷ. Câu hỏi như một sự chối phắt và đặt gánh nặng lên vai người yêu. Duyên chết lặng, cô vừa lái đò vừa nhìn mấy vạt lục bình dợn lên trên sóng, rồi vai cô rung lên, mắt đỏ hoe. Cô gỡ tay Quân, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát khi anh đặt tay lên vai cô. Quân bối rối không biết nên thế nào. Tới bến, cô cột đò rồi nhìn anh, nói nhẹ nhàng nhưng rõ tiếng: Anh về đi! Coi như không có gì!
Duyên tắt luôn điện thoại những ngày sau đó dù mỗi ngày Quân gọi và nhắn tin cả trăm bận. Công việc cuốn lấy anh, ba tuần liền Quân xuống mấy trại tôm dưới Vàm Láng, Gò Công làm việc với khách hàng. Cuối tháng đó, anh lái xe về Vàm Rẫy. Ra bến chợ, không thấy con đò của Duyên như mọi khi.
Cô Duyên nghỉ lái đò rồi, anh đi lạch Bần thì chờ đò dọc Cái Thia lên rồi quá giang theo, mấy người đàn bà cũng chờ đò dọc về lạch Bần nói vậy.
Từ trên đò, anh nhảy lên bến nhà nội Duyên. Ông nói Duyên ra phụ bán hàng ngoài nhà cha mẹ cô ở kênh Trèm Trẹm. Con đò cột ở gốc gáo bên bến nhà, dưới cái mái che tạm bằng những tấm tranh đan lá dừa nước. Ông nói đang kêu người bán đò vì không ai chạy.
Anh ra mái nước sau nhà. Cái bịch xốp treo ở cây cột phủ một lớp bụi. Trong có cái khăn tắm và cục xà bông với chai dầu gội của anh như mọi khi nhưng có cả mấy chai dầu gội và thỏi son anh mua cho Duyên lần xuống vừa rồi.
Quân ra bến đợi đò dọc quá giang lên Vàm Rẫy. Nước đang ròng, lục bình trôi đầy sông. Vắng Duyên con sông lạnh hoang. Tự nhiên Quân thấy trống rỗng, không phải nhớ và buồn, anh thấy hẫng. Anh nhớ câu nói của Duyên lúc chia tay ở bến chợ: “Anh về đi! Coi như không có gì!”.
Kiên Giang - Saigon 2008-2015