Chủ đề thảo luận lần này là Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hai động thái cải cách quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác lớn hàng đầu trên thế giới, và chương trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Khảo sát của VCCI vừa công bố vào tháng 4-2015 cho thấy 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực DNTN trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi. Dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún.
“Trong số các DNTN đang hoạt động, DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến”- Ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa. VCCI đề nghị Chính phủ giải quyết vấn đề về vốn cho DN vừa và nhỏ, cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả; khẩn trương đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động,…Tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội DN, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho DN.
Về cải cách thủ tục hành chính, người đứng đầu VCCI cho rằng NQ19/CP mở đường cho những nỗ lực đột phá bước đầu đã thực hiện tốt trong các lĩnh vực Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp.v.v. Lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 2015, đã có hơn 70% DN cho biết họ hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành Thuế. Vấn đề là cần có sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các bộ ngành; Phải tiến hành rà xét và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp.