Sáng 9-3, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống phân phối cũng như các chợ tại Hà Nội đã dồi dào trở lại, giá ổn định nhưng sức mua giảm rõ rệt.
Hàng hóa dồi dào, giá giảm trở lại
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Văn Đô, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai (Hà Nội), cho biết: “Hôm nay lượng người dân đến mua bán tại chợ rất thưa thớt, hàng hóa ê hề. Sức mua yếu nên giá nhiều mặt hàng cũng giảm theo. Ví dụ, giá thịt heo mông sấn giảm xuống mức 145.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau, củ quả như khoai tây từ mức 15.000 đồng/kg giảm còn 12.000 đồng/kg nhưng vẫn ít người mua”.
Theo ông Đô, tình hình này trái ngược với trước đó hai, ba ngày khi Hà Nội công bố ca dương tính thứ 17 với virus SARD-CoV-2. Khi đó, lượng người mua tăng đột biến khiến giá cả một số mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu bị đẩy lên cao. Đơn cử như khoai tây đang từ 14.000 đồng/kg tăng vọt lên 16.000-16.500 đồng/kg. Giá thịt heo đang ổn định ở mức 140.000-145.000 đồng/kg cũng tăng lên 160.000 đồng/kg.
Không chỉ chợ đầu mối, các siêu thị lớn cũng trong tình cảnh tương tự khi hàng hóa về rất nhiều trong khi sức mua lại giảm. Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Vincommecre, cho biết sau khi Hà Nội công bố ca dương tính thứ 17 với virus SARD-CoV-2 thì từ đêm 6-3, sức mua của người dân tăng lên đột biến, kéo dài đến 16 giờ chiều hôm sau.
“Riêng trong buổi sáng 7-3, hệ thống VinMart tại Hà Nội bán được hơn 30.000 thùng mì tôm, trong khi đó ngày bình thường chỉ bán được khoảng 1.000-2.000 thùng. Tỉ lệ mua online tăng trưởng 548% so với ngày thường với khoảng 10.000 đơn hàng. Nhưng đến nay, sức mua trở lại bình thường” - đại diện Vincommerce cho biết.
Lý giải nguyên nhân về sức mua đột ngột giảm, đại diện Vincommerce cho rằng có thể do khách hàng đã có nhận thức cơ bản về dịch nên hạn chế tụ tập đông người. Cạnh đó, sức mua của ngày 7-3 tăng đột biến, người dân đã mua được kha khá hàng thiết yếu rồi nên có thể vài ngày tới sức mua mới tăng trở lại.
Tại một số siêu thị lớn khác như Big C, hay các chợ dân sinh, tình trạng cũng tương tự khi hàng hóa đổ về dồi dào nhưng thưa thớt người mua, dù giá cả đã trở về bình thường. Ví dụ, tại chợ dân sinh Hà Đông, rau cải cúc ở mức 6.000-7.000 đồng/mớ, bắp cải 10.000 đồng/kg, rau bí xanh 15.000 đồng/kg.
Hàng hóa về các siêu thị rất dồi dào, sức mua đã trở lại bình thường. Ảnh: AN HIỀN
Chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hệ thống phân phối lớn, nhà cung cấp đã chuẩn bị sẵn các kịch bản cung ứng hàng hóa nhằm đảm bảo không gián đoạn, không ảnh hưởng đến người dân trong giai đoạn phòng, chống dịch.
Cụ thể, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail - đơn vị sở hữu các thương hiệu Intimex, Hapro, Seika, Fujimart, cho hay: Từ sau tết chúng tôi đã giảm các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng, xoong chảo và tăng cường các mặt hàng thực phẩm, nhất là mặt hàng thực phẩm khô, có thời hạn sử dụng dài ngày như mì tôm, gạo, sữa, nước mắm...
“Các đơn đặt hàng với nhà cung ứng cũng tăng lên gấp 5-10 lần để dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu mua của người dân” - ông Dũng cho hay.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Vincommerce, cũng thông tin: Chúng tôi đang có 132 siêu thị VinMart trên toàn quốc và hàng ngàn cửa hàng. Ngay khi dịch xảy ra, chúng tôi đã có các kế hoạch ứng phó cụ thể, tập trung vào bốn mục tiêu là không tăng giá, làm việc với nhiều nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất trong sáu tháng, đảm bảo các kịch bản về sản lượng tăng đột biến.
Mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm Mới đây, chiều 7-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo bộ trưởng Công Thương, bộ trưởng NN&PTNT, chủ tịch UBND TP Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hóa cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hóa. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân thủ đô. Nhập khẩu gần 66.000 tấn thịt heo, bò, gà Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu gần 66.000 tấn thịt động vật các loại từ Canada, Đức, Mỹ... Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu hơn 13.800 tấn thịt heo và sản phẩm thịt heo, tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, trong hai tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu hơn 12.400 tấn thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò; hơn 26.600 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm. |
“Các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, khẩu trang y tế, nước rửa tay đều đã được xây dựng kịch bản cung ứng. Qua đó đáp ứng nhu cầu người dân đến ít nhất hết tháng 3 với kịch bản tăng trưởng sức mua 40%-50%” - bà Tâm nói.
Cạnh đó, Vincommerce kết hợp với các nhà cung cấp có thêm các chương trình khuyến mãi để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng về mặt chi phí trong thời gian ngắn. Từ đó để người dân thấy rằng không cần phải tích trữ quá nhiều mà giá cả còn tốt hơn ngày thường, giúp bình ổn lại tâm lý.
“Các kịch bản đều xây dựng dựa trên việc lấy Hà Nội làm mẫu và có thể áp dụng cho 50 tỉnh, thành mà VinMart, VinMart+ đã có mặt. Theo đó, bất kể lúc nào, ngay cả trong trường hợp xấu nhất dịch lan ra nhiều tỉnh, thành thì chúng tôi đều có thể áp dụng” - bà Tâm nói.
Tại cuộc họp đột xuất của Bộ Công Thương mới diễn ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay trước diễn biến của dịch bệnh, bộ đã lên nhiều kịch bản chuẩn bị cho các tình huống. “Mục đích xuyên suốt và duy nhất là trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
UBND TP.HCM đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, thực phẩm Chiều tối 9-3, UBND TP.HCM phát đi thông tin khẳng định luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm và thực phẩm phục vụ người dân. Để hạn chế có mặt nơi đông người, đề nghị người dân ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến. Trước những diễn biến mới nhất của dịch COVID-19, lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết: Hàng hóa mà hệ thống Saigon Co.op dự trữ cho riêng mùa dịch tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp tết vừa qua. Các mặt hàng dự trữ gồm: gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… “Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng, chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được chúng tôi đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán” - đại diện Saigon Co.op khẳng định. Đáng chú ý, thời gian hoạt động của toàn bộ hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op tiếp tục được đảm bảo, một số nơi còn linh hoạt chỉ đóng cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong; các cửa hàng tiện lợi Cheers thì hoạt động cả ngày trong tuần.
Chạy hết công suất, tăng lượng hàng tại phía Bắc Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết công ty đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng cung ứng trong mùa dịch tăng 20%-30%. Hiện nay, các trang trại lấy trứng, thịt gia cầm, nhà máy chế biến thực phẩm đang chạy hết công suất, đảm bảo cung cấp đầy đủ. “Riêng tại Hà Nội, chúng tôi có nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ có công suất xử lý 65.000 trứng/giờ cùng một hệ thống kho lạnh giúp đưa các mặt hàng thực phẩm chế biến từ TP.HCM ra miền Bắc thuận tiện. Vì vậy, người dân không quá lo lắng việc thiếu hụt nguồn hàng” - ông Hùng khuyến nghị. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market, cũng cho biết ngay từ đầu năm, công ty đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra 20%-40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Hiện các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống… đã được siêu thị tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỉ đồng” - bà Nga khẳng định. |