Gây án trong ngày sinh nhật

Theo hồ sơ, Lê Thanh Vũ làm công cho một gia đình bán thịt ở chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM). Ngày 15-6-2009, Vũ bàn với một người bạn giết cả nhà chủ lấy tiền, vàng. Đến tối, trong nhà chỉ còn ông chủ và đứa con gái. Vũ ra tay sát hại người con và chém ông chủ bị thương tật 30%... Hung thủ đã gây án vào đúng ngay ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình.

Xử sơ thẩm TAND TP.HCM nhận định bị cáo có nhân thân tốt, tuổi đời còn rất trẻ (vừa qua tuổi 18) nhưng hành động lại quá nhẫn tâm nên tòa tuyên phạt Vũ tử hình. Tại phiên phúc thẩm ngày 7-12-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã cẩn thận cho đối chiếu giờ sinh của Vũ với mốc thời gian mà bị cáo gây án. Bởi nếu thời điểm gây án xảy ra sau thời điểm bị cáo chào đời thì bị cáo đã thành niên và như vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự một cách bình thường, tức sẽ bị tuyên án tử hình. Ngược lại, nếu giờ phút gây án xảy ra trước giờ phút sinh thì bị cáo được xem là chưa đủ 18 tuổi khi gây án thì sẽ thoát án tử hình do chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên…

Tại tòa, do Vũ không có giấy khai sinh nên tòa đã chấp nhận lời khai của cha Vũ là con ông sinh lúc 15 giờ ngày 15-6-1991. Ngày giờ này ông đã cẩn thận ghi trong cuốn sổ mà trong đó ghi lại những giờ khắc quan trọng của gia đình. So với hồ sơ, tòa nhận thấy thời điểm Vũ gây án là hơn 20 giờ trong ngày sinh nhật. Tức lúc ấy, Vũ đã bước qua tuổi 18. Từ lời khai của người cha về giờ sinh rõ ràng của người con nên tòa khẳng định Vũ đã thành niên và cuối cùng tòa tuyên y án sơ thẩm.

Quanh việc tính tuổi của bị cáo, Thẩm phán Lê Thành Văn (Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai) thông tin thêm, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02 ngày 5-1-1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nếu không nhớ ngày sinh của bị cáo thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh. Chẳng hạn, chỉ nhớ bị cáo sinh vào tháng 9-1993 thì lấy ngày 31-9-1993 làm ngày sinh. Nếu không nhớ tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm làm tháng sinh. Nếu không nhớ cả ngày và tháng mà chỉ nhớ năm thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối năm đó làm ngày sinh.

Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cách tính tuổi chính xác theo giờ nhưng thực tiễn cơ quan tố tụng đã dùng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật (theo Nghị quyết 02 nói trên). Chẳng hạn nếu không nhớ bị cáo sinh giờ nào của ngày 15-6-1991 thì lấy giờ cuối cùng trong ngày (tức 12 giờ đêm) làm giờ sinh cho bị cáo.

Theo ông Văn, về khoa học, không ai chứng minh được trong vài tiếng đồng hồ hoặc thậm chí vài tháng thì khả năng nhận thức của bị cáo được nâng lên đến đâu, suy nghĩ của họ chín chắn đến độ nào. Nhưng pháp luật thì phải có nguyên tắc và mốc xác định cụ thể, rõ ràng theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Điều này thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật.

NHÃ BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm