Gay cấn việc ‘trục xuất’ ong khỏi rừng U Minh

Hơn một tuần qua, nhiều người dân và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm đến vấn đề ong nuôi ngoài tỉnh đang đổ về rừng U Minh Hạ để khai thác mật. Đến chiều qua (3-4), cơ quan chức năng đã lập biên bản đuổi thẳng ong ngoại.

Xôn xao đàn ong ngoại

Từ tháng 1-2017, người dân thấy đàn ong ngoại xuất hiện tại địa phương nên lập tức phản đối. Sau đó xã, huyện và tỉnh can thiệp. Đến nay đã có gần 10 cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến ấp vào cuộc.

Cụ thể, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau xác nhận đã có văn bản chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương phối hợp với chủ rừng vận động người nuôi đưa đàn ong nuôi ra khỏi khu vực rừng.

Sở Công Thương tỉnh cũng đề xuất cần tập trung nhiều lực lượng bao gồm công an, quản lý thị trường tỉnh vào cuộc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động vận chuyển ong ngoại về nuôi ở U Minh Hạ.

Trước đó, ngày 22-3, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, đã có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan ở Cà Mau. Báo cáo nhận định: “Đây là vấn đề phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng nhãn hiệu mật ong U Minh Hạ, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng”.

Sau khi nhận báo cáo của UBND huyện U Minh, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý tình hình vận chuyển ong nuôi và mật ong từ tỉnh khác về huyện U Minh để nuôi và bán với thương hiệu mật ong U Minh Hạ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện trên địa bàn huyện U Minh có 270 thùng ong nuôi tập trung tại xã Khánh An của Công ty TNHH Công nghệ Ubee (thuộc Hiệp hội Nuôi ong tỉnh Tiền Giang) do ông Huỳnh Công Tấn làm giám đốc.

Đến hôm qua (3-4), động thái quyết liệt đuổi đàn ong ngoại đã diễn ra. Đó là việc một tổ công tác của xã Khánh An, huyện U Minh gồm phó công an xã, cán bộ ủy ban xã… đến lập biên bản, buộc ông Tấn phải di dời ngay đàn ong ra khỏi rừng.

Ông Tấn tự tin pháp luật không cấm hoạt động nuôi ong của mình. Ảnh: TRẦN VŨ

Pháp luật không cấm 

Lý lẽ của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đưa ra để “trục xuất” đàn ong ngoại là sự quan ngại. Cụ thể ngày 29-3, Sở NN&PTNT tỉnh có báo cáo gửi UBND tỉnh nêu rõ: “Qua nghiên cứu các văn bản của ngành, việc gây nuôi ong thuộc danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, quy định tại Thông tư 25/2015 của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, xét thấy vị trí đặt thùng nuôi ong tiếp giáp với Vườn quốc gia U Minh Hạ, có khả năng ảnh hưởng đến ong tự nhiên và tính đa dạng sinh học của rừng đặc dụng”.

Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cũng có báo cáo gửi tỉnh với đề xuất vận động di dời toàn bộ đàn ong ngoại ra khỏi U Minh Hạ với lý do tương tự. Phía UBND huyện U Minh và xã Khánh An cũng chỉ đưa ra lý do quan ngại về sự ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong U Minh. Như vậy không đơn vị nào đưa ra cơ sở pháp lý cho thấy việc nuôi ong ngoại là vi phạm quy định nào.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Tấn, Công ty TNHH Công nghệ Ubee, nói: “Trước khi đưa ong về U Minh Hạ gây nuôi, tôi tìm hiểu và không thấy quy định pháp luật cấm. Ong chúng tôi đang gây nuôi là loại ong Ý, đã được Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Khi các đoàn kiểm tra đến bảo chúng tôi di dời, chúng tôi cầu thị: Hãy chỉ cho chúng tôi phải làm thế nào, cần giấy phép gì, bị cấm ở quy định nào... Chúng tôi cam kết nếu có quy định cấm thì chúng tôi thực hiện ngay. Còn nếu phát hiện có sai phạm, chúng tôi cũng chịu phạt nghiêm khắc”.

Ông Tấn cũng tiết lộ mục đích của mình khi đưa đàn ong Ý về Cà Mau. Trước đây, ông đọc được một tài liệu nghiên cứu về mật ong U Minh Hạ của ThS Quách Văn Ẩn, xuất bản năm 2011. Theo đó, rừng U Minh Hạ có thể khai thác mật ong với sản lượng 1.000-2.000 tấn/năm. Nhưng thực tế với cách nuôi ong truyền thống hiện nay chỉ khai thác được 150-200 tấn/năm, tức chỉ mới khai thác được khoảng 10%.

Từ đây, ông Tấn và nhóm bạn của mình đã tìm hiểu và sáng lập Công ty Ubee. Kế hoạch của công ty là sử dụng loài ong Ý thử nghiệm trước, nếu thành công sẽ hợp tác với nông dân U Minh Hạ khai thác sản lượng tiềm năng nói trên.

“Hiện tại, chúng tôi mới ở giai đoạn nuôi thử nghiệm. Chưa hề mua bán gì, thu lợi nhuận gì cả. Chúng tôi mong Cà Mau hỗ trợ chúng tôi để khai thác tốt hơn tiềm năng mật ong U Minh Hạ” - ông Tấn tha thiết đề nghị.

Không có đủ căn cứ pháp lý để đuổi ong

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá rằng những thông tin về vụ “trục xuất ong ngoại” cho thấy các cơ quan chức năng của Cà Mau chỉ vận động người dân nuôi ong di dời vì quan ngại việc nuôi ong ngoại sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và thương hiệu của mật ong U Minh Hạ. Điều đó cũng có nghĩa là các cơ quan chức năng của Cà Mau không có đủ căn cứ pháp lý để yêu cầu người nuôi ong di dời đàn ong thử nghiệm của mình. Vì thế người dân có thể di dời hay không là quyền của họ.

Cần nhắc lại rằng nếu giống ong mà người dân nuôi không thuộc danh mục cấm nhập, nuôi, sản xuất tại Việt Nam thì người dân không bị cấm đoán việc nuôi loại ong này. Ấy là chưa nói tới việc người dân đang nuôi để thử nghiệm và có mục đích tốt.

“Xem xét sự việc, ngoài việc giống ong người dân nuôi không thuộc danh mục cấm thì ngay cả địa điểm nuôi cũng không bị hạn chế. Vậy người dân được làm những gì luật không cấm” -  ông Đức nhấn mạnh.

CHÂN LUẬN

Giữa năm 2016, tại tỉnh Hà Giang từng xảy ra cuộc chiến giữa ong nội và ong ngoại. Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang lúc đầu đã ra lệnh cấm nuôi ong ngoại trên địa bàn. Tuy nhiên, sau đó với sự can thiệp của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, những người nuôi ong ngoại đã được bảo vệ. Bởi giống ong này đã được đưa vào danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam tại Thông tư số 25/2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm