Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được thông tin của một số bạn đọc phản ánh về việc bị số điện thoại lạ gọi đến tự xưng cán bộ làm trong một số cơ quan nhà nước để lừa đảo.
Với thủ đoạn khác nhau, nhiều đối tượng đã giả danh cán bộ làm trong các cơ quan nhà nước, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của mình để chiếm đoạt.
Cơ quan BHXH giải quyết các chế độ BHXH cho người dân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Giả nhân viên BHXH, cán bộ CSGT
Giữa năm 2022, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cần Giờ, TP.HCM có nhận được thông tin phản ánh của chị NTT về việc chị bị một người tự xưng là chuyên viên BHXH Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Theo lời kể của chị T, hơn một năm trước chị có tham gia BHXH nhưng sau đó chị nghỉ việc để sinh con. Sinh con xong, chị đến cơ quan BHXH hỏi thủ tục nhận trợ cấp thai sản. Tuy nhiên, nhân viên BHXH giải thích: Theo quy định, người lao động phải đóng đủ sáu tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì mới đủ điều kiện nhận trợ cấp. Vì thế, trường hợp của chị không được giải quyết.
Vài tháng sau, lúc chị T truy cập Facebook, chị thấy có trang BHXH Việt Nam cùng những dòng chữ “cung cấp dịch vụ giải ngân trước hạn; làm lại sổ BHXH; hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”.
Nghĩ trường hợp của mình có thể được giải ngân hồ sơ trợ cấp thai sản quá hạn nên chị T đã kích vào mục “gửi tin nhắn” và nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger có nội dung liên hệ với chuyên gia về bảo hiểm qua Zalo để được tư vấn.
Nhận được tin nhắn trên, chị T đã kết bạn với tài khoản Zalo của một người tự xưng là chuyên viên của BHXH Việt Nam.
Sau đó, người này yêu cầu chị T cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh CCCD và tài khoản ngân hàng để cơ quan BHXH chuyển 17.706.000 đồng tiền giải quyết chế độ thai sản cho chị. Thế nhưng, số tiền trên chị T sẽ không được nhận một lần mà phải chia thành năm lần. Mỗi lần giải ngân, chị T phải chuyển khoản cho chuyên viên BHXH giả mạo này số tiền là 820.000 đồng phí giải quyết hồ sơ.
Chị T làm theo hướng dẫn và đã chuyển tiền lần giải ngân thứ nhất qua tài khoản. Khoảng 10 phút sau khi chuyển tiền, chị T nhận được tin nhắn yêu cầu kiểm tra lại thông tin cá nhân đã đúng chưa để chuyển tiền.
Sau khi chị T xác nhận thông tin đã đúng thì người này lại tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm vào tài khoản đã cung cấp bốn lần phí chuyển tiền, mỗi lần là 820.000 đồng để được nhận toàn bộ số tiền ngay trong ngày.
Thấy khả nghi, chị T đã tìm đến cơ quan BHXH huyện Cần Giờ nhờ tư vấn và biết mình đã bị lừa.
Các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.
Một trường hợp khác, kẻ gian giả danh cán bộ CSGT để lừa đóng “phạt nguội”. Cụ thể, anh LVT (trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khoảng hai tuần trước anh bị đánh thức bởi cuộc gọi có đầu số +1844498… lúc 22 giờ. Người bên kia đầu dây xưng là tổng đài viên của Cục CSGT, đề nghị anh cung cấp họ tên, số CCCD…
Sau khi cung cấp các thông tin cá nhân, anh T được thông báo mình vượt đèn đỏ, gây tai nạn rồi bỏ chạy ở Đà Nẵng, đang bị cơ quan công an điều tra.
Bất ngờ và lo lắng, anh T nói mình không hề di chuyển vào Đà Nẵng nên không thể vi phạm, đầu dây bên kia liền cho rằng có thể anh làm rơi giấy tờ nên bị giả mạo. Sau một lúc trao đổi, trước thái độ kiên quyết của anh T, đối phương chủ động ngắt máy. Anh T cho biết qua báo chí, anh cũng biết có tình trạng lừa đảo này nên đã cảnh giác.
Không giải quyết chế độ qua mạng xã hội
Liên quan đến chiêu lừa giả danh nhân viên BHXH để giải quyết chế độ BHXH, một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết việc có người tự xưng là người của cơ quan BHXH để giải quyết chuyển tiền giải ngân hưởng các chế độ BHXH qua các trang mạng xã hội như Messenger, Zalo, Viber... là lừa đảo.
Hiện nay, cơ quan BHXH không triển khai bất kỳ hình thức giải quyết thanh toán chi trả các chế độ BHXH qua mạng xã hội.
Cơ quan BHXH TP.HCM khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác khi vào các trang mạng xã hội có tên cơ quan BHXH và cá nhân tự xưng là người của cơ quan BHXH. Người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng này, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho họ qua điện thoại, Zalo, Viber hoặc Messenger.
Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi, tin nhắn như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo trực tiếp đến cơ quan BHXH gần nhất trên địa bàn TP. Người dân cũng có thể gọi đến hotline của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.•
CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm
an toàn giao thông
Theo Cục CSGT, tất cả trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (còn gọi là phạt nguội), CSGT sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới chủ xe hoặc người điều khiển xe vi phạm và đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.
Ngoài ra, khi đi đăng kiểm xe, nếu có vi phạm, người vi phạm sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm của mình và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý.
Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển xe mang đầy đủ giấy tờ cần thiết đến trụ sở đơn vị CSGT ra thông báo để làm việc.
Các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. PV