Nhà vườn và doanh nghiệp kinh doanh hoa ở Lâm Đồng, nhất là những vùng trồng hoa nổi tiếng như Đà Lạt, Đức Trọng… đang lao đao vì hoa rớt giá và không có đầu ra. Thậm chí, nhiều nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hoa.
Nhà vườn nhổ bỏ hoa
Ông Hoàng Chu Du, nhà vườn trồng hoa ly ly, hoa đồng tiền và hoa hồng tại làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt, than thở rằng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thị trường hoa rất bấp bênh, hoa đến kỳ thu hoạch không bán được, giá rớt thê thảm. Trong khi đó, đa số bà con trồng hoa phải vay ngân hàng để đầu tư và hiện vẫn phải trả nợ đều đặn hằng tháng nên vô cùng khốn khổ.
Đặc biệt, để phục vụ dịp tết Đoan Ngọ, gia đình ông Du đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng hoa. Đây là số tiền đầu tư giống, chưa tính phân bón, công chăm sóc, vận chuyển… Trong lúc giá hoa tuột dốc, thị trường hoa đang ế ẩm thì chợ đầu mối hoa Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) lại tạm đóng cửa để phòng chống dịch càng khiến người trồng hoa không biết bán đi đâu.
Hiện giá thành hoa ly ly dao động 50.000-60.000 đồng/bó nhưng khi đưa về TP.HCM thì chủ vựa tính giá chỉ 20.000-25.000 đồng/bó. Mức giá này chưa đủ tiền mua một củ giống, chưa tính nhân công, thuốc men, tiền thùng, cước vận chuyển... Tương tự, bình thường hoa đồng tiền bán với giá trung bình từ 10.000 đồng/bó, nay chỉ còn 2.500 đồng/bó. Giá hoa bán ra quá rẻ, chưa bù đắp chi phí sản xuất nên nhiều hộ trồng hoa thua lỗ đậm đành ngậm ngùi nhổ bỏ cả vườn hoa.
“Dịp tết, do hoa mất giá, gia đình tôi mất 500 triệu đồng. Nay hoa đến lúc phải cắt nhưng đầu ra không có, chợ đầu mối hoa đóng cửa nên gia đình tôi mất thêm khoảng 350 triệu đồng nữa” - ông Du thở dài.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Trí, chủ trang trại hoa ly ly ở xã Xuân Thọ, cho hay gia đình có 6 ha chuyên trồng hoa ly ly, sản lượng thu hoạch khoảng 4 triệu cành mỗi năm. Tuy nhiên, do đầu ra khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy nên sản lượng hoa chưa bán được còn rất nhiều. Bây giờ bán được giá nào cũng chấp nhận để không phải nhổ bỏ.
“Chợ đầu mối hoa Đầm Sen tạm đóng cửa khiến đầu ra của bà con càng khó khăn hơn, người trồng hoa càng nhiều thì thiệt hại càng lớn” - ông Trí nói. Ông cũng cho hay mặc dù không có đầu ra nhưng nhà vườn vẫn phải xuống giống với hy vọng vụ sau sẽ khá hơn.
Nhà kinh doanh méo mặt
Hiện giá hầu hết các loại hoa đều giảm 50%-60% so với thời điểm cách đây khoảng một tháng. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, lý giải đa số nhà vườn trồng hoa bán cho thương lái. Song do ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến tình trạng hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng… không đưa đi tiêu thụ được nên thương lái không dám lấy hoa, bỏ nhà vườn một mình xoay xở hoặc họ chỉ trả một phần nào đó cho nông dân.
Mặt khác, khi dịch COVID-19 xảy ra, hoa từ Đà Lạt vẫn đưa xuống TP.HCM tiêu thụ dù có gặp khó khăn và giá bấp bênh. Song khi chợ hoa Đầm Sen, nơi tiêu thụ chính của hoa Đà Lạt, tạm đóng cửa thì bà con nông dân bế tắc thật.
Nhưng không chỉ nông dân mà các công ty trồng hoa, kinh doanh cũng đang gặp khó. Ông Nguyễn Hoàng Đức, chủ hệ thống hoa Lamour Flower, thông tin: So với ba lần trước, trong lần bùng phát dịch thứ tư này, người dân hạn chế tối đa, thậm chí hầu như không ra đường. Bên cạnh đó, thực hiện việc giãn cách xã hội nên các hội nghị, tiệc sinh nhật, thôi nôi, khai trương, chúc mừng… không tổ chức, do đó mặt hàng hoa cũng không tiêu thụ được. Hệ quả là người trồng hoa lẫn người bán đều đang lao đao.
Một nhà vườn ở làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt đang cắt hoa ly ly với hy vọng bán được đồng nào hay đồng đó. Ảnh: HOÀNG DU
“Đối với các nhà vườn trồng hoa mà Lamour Flower liên kết sản xuất, chúng tôi vẫn tiếp tục chia sẻ với bà con như mua hàng nhưng với giá giảm đi một nửa. Trong khi đó, nhiều nhà vườn bị thương lái hủy hợp đồng 100%” - ông Đức kể.
Đáng chú ý, hiện nay TP.HCM là thị trường tiêu thụ hoa lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, chiếm khoảng 70%. Tuy vậy, theo ông Đức, nhiều hệ thống bán hoa thông báo tạm đóng cửa vì không có khách đến mua.
“Sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, mọi người sẽ mở bán trở lại. Tuy nhiên, dự báo chừng nào dịch được kiểm soát, không còn ca nhiễm trong cộng đồng thì mới cải thiện được hoạt động kinh doanh, sản xuất của ngành hoa” - ông Đức nói.
Mong chợ đầu mối hoa mở cửa trở lại
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho hay cùng kỳ năm ngoái, vào dịp mùng 1 âm lịch và tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch), lượng hoa tiêu thụ về chợ hoa Đầm Sen khoảng 20 triệu cành, phục vụ nhu cầu chủ yếu cho TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác. Ngoài ra, các hộ sản xuất hoa tại Lâm Đồng còn cung cấp cho các chợ như Hồ Thị Kỷ, Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn… khoảng 28 triệu cành.
Tuy nhiên, việc đóng cửa chợ hoa Đầm Sen vào thời điểm này đồng nghĩa cắt đứt trạm trung chuyển quan trọng và chuỗi cung ứng hoa từ Đà Lạt đến TP.HCM cũng như các tỉnh Tây Nam bộ.
“Khi đóng cửa chợ hoa tươi Đầm Sen, một mùa vụ quan trọng của người nông dân Lâm Đồng sẽ không có nơi tiêu thụ, gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tiêu thụ hoa của bà con nông dân, các công ty sản xuất hoa” - ông Sang nhấn mạnh.
Vì vậy, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã có công văn kiến nghị Sở Công Thương TP.HCM và UBND quận 11 xem xét tạo điều kiện cho mở cửa trở lại chợ hoa tươi Đầm Sen. Qua đó hỗ trợ giải quyết tiêu thụ một phần hoa tươi cho bà con nông dân trong tình hình khó khăn này. “Các tiểu thương cũng mong muốn chợ được hoạt động để không bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng hoa này” - ông Sang nói.
Chợ hoa Đầm Sen là chợ sỉ tiêu thụ một lượng hoa rất lớn của Lâm Đồng nhưng đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh: TU
Sợ thời gian tới sẽ không có hoa để bán Đại diện Sở Công Thương TP.HCM xác nhận chợ Đầm Sen đóng cửa từ ngày 31-5 để phòng chống dịch COVID-19 khiến thị trường hoa tỉnh Lâm Đồng gặp khó. Sau khi có quyết định đóng cửa thì quận 11 đã chỉ đạo Ban quản lý chợ hoa Đầm Sen hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến nhằm không làm đứt gãy việc tiếp nhận, phân phối hoa ra thị trường. Lãnh đạo sở cũng đã chỉ đạo phải giữ được sự lưu thông hàng hóa, không để tình trạng dồn ứ, ngưng trệ trong thời gian dịch đang phức tạp. Ngoài ra, các đơn vị trong TP nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay để tháo gỡ. Ông Lý Phú Quí, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Đầm Sen, cũng thừa nhận việc chợ tạm đóng cửa khiến nhà vườn Đà Lạt thiệt hại rất lớn vì hoa không đưa xuống chợ được. “Bình thường nhà vườn Đà Lạt cung cấp cho chợ Đầm Sen 20 tấn/ngày nhưng dịp tết Đoan Ngọ tăng lên 80 tấn. Do vậy, nếu dịp này đứt gãy nguồn cung, nông dân không trồng, không có nguồn cung thì tháng 10 tới đây tiểu thương cũng không có hoa để bán” - ông Quí nói. |