Giá ô tô Việt Nam cao gấp đôi Thái Lan: Làm sao giảm?

(PLO)- Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu của khu vực ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đánh giá về tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Trong báo cáo này, Bộ Công Thương nhận xét mức giá xe tại Việt Nam (VN) cao hơn gần hai lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Thậm chí, con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.

Các hiệp hội và một số tỉnh, thành mới đây kiến nghị Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: QH

Các hiệp hội và một số tỉnh, thành mới đây kiến nghị Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: QH

Chọn mẫu xe “quốc dân” để ô tô hóa

Lý giải nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại VN ở mức cao, Bộ Công Thương cho rằng do thuế và phí cao. Bên cạnh đó, sản lượng tích lũy trong nước thấp, các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế.

Ngoài ra, tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến chín chỗ vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Có tới 80%-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, các hãng ô tô và các chuyên gia cho rằng vẫn có thể giảm giá ô tô tại VN bằng nhiều giải pháp. Bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia lĩnh vực ô tô, phân tích: Nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất ô tô tại VN cao hơn so với Thái Lan, Indonesia là vì thị trường tiêu thụ của nước ta còn nhỏ, sản lượng hạn chế kéo theo công suất các nhà máy thấp hơn so với thiết kế. Khi sản lượng thấp sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, giá thành sản xuất cao.

Trong khi tại các nước, sản lượng ô tô sản xuất và sản lượng xe được tiêu thụ nội địa rất lớn so với VN. Như Thái Lan có lượng ô tô sản xuất năm 2022 gần 2 triệu chiếc, doanh số tiêu thụ trong nước gần 900.000 chiếc. Indonesia dù đi sau Thái Lan nhưng cũng có bước tiến vượt bậc, khi sản xuất gần 1,5 triệu xe trong năm ngoái. Đặc biệt, doanh số bán hàng trong nước của Indonesia vươn lên dẫn đầu ASEAN với hơn 1 triệu xe được tiêu thụ.

“Vì thế, để giảm giá thành sản xuất ô tô thì VN cần tăng sản lượng sản xuất. Nếu tăng được dung lượng thị trường sẽ giúp hạ được chi phí sản xuất, giá thành xe. Bên cạnh đó, nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý sẽ giảm được giá xe” - bà Hiền nhấn mạnh.

Bà Hiền đề xuất nên có chính sách hỗ trợ về giá thành cho một mẫu xe “quốc dân”, trong đó có thể chọn mẫu xe đô thị cỡ nhỏ, giá bình dân hợp với đa số người tiêu dùng.

Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại VN trong thời gian tới là rất lớn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), cho biết chi phí sản xuất ô tô tại VN cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài. Nếu trước đây xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế khoảng 30% thì xe trong nước rẻ hơn nhưng từ khi thuế nhập khẩu về 0%, xe nhập khẩu lại rẻ hơn xe lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, theo đại diện VAMA, thị trường VN quá nhỏ, lại có quá nhiều mẫu xe, thương hiệu dẫn đến mỗi mẫu xe bán được ít. Khi đó, sản xuất cũng sẽ ít theo dẫn đến đội chi phí. Chi phí cao, cộng thuế, lãi… dẫn đến giá bán xe cũng cao.

“Indonesia có dung lượng thị trường gấp 4-5 lần nhưng số mẫu xe có mặt trên thị trường vẫn ít hơn VN. Thậm chí, có những mẫu xe chiếm 10%-15% doanh số toàn thị trường, từ đó làm được mẫu xe sản lượng rất lớn, tập trung máy móc để làm dẫn đến hạ được giá thành” - ông Hiếu dẫn chứng.

Xem xét giảm lệ phí trước bạ
ô tô

Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2-2023 ban hành mới đây, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-3.

Giảm thuế, phí… để hạ giá xe

Một trong những chi phí khá lớn trong tổng chi phí sản xuất ô tô tại VN là nhân lực phải thuê chuyên gia nước ngoài. Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho hay các hãng xe sản xuất, lắp ráp lớn trong nước như VinFast, Thaco… đều phải tốn một khoản chi phí khá lớn thuê chuyên gia nước ngoài vì trong nước không có.

Do đó, để phát triển ngành ô tô bền vững cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. VN có thể hợp tác với các nước có ngành sản xuất ô tô phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo nhân lực.

Ngoài ra, theo ông Đồng, để giảm giá ô tô sản xuất trong nước thì phải miễn, giảm thuế nhập khẩu những linh kiện ô tô mà VN không thể sản xuất được như động cơ, hộp số… Qua đó để khuyến khích các hãng ô tô vào đầu tư lắp ráp tại VN.

“Để phát triển sản lượng một mẫu xe nhằm tăng sức tiêu thụ thị trường thì VN cũng cần có mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT cực thấp. Ví dụ đối với mẫu xe dung tích động cơ dưới 1.5L cần ưu đãi thuế” - ông Đồng đề xuất.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng không nên áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện chương trình ưu đãi thuế. Đồng thời cần có thêm ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có tiềm năng, có sản lượng đủ lớn, đầu tư bài bản và dài hạn để hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài tại VN. Từ đó nhằm tạo dựng thị trường cho công nghiệp và góp phần hạ giá bán xe.•

Nhu cầu mua ô tô ngày càng tăng mạnh

Theo Bộ Công Thương, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại VN trong thời gian tới là rất lớn và xu thế ô tô hóa tại VN dự báo sẽ diễn ra. Nguyên nhân là cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025. Theo đó, dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 trung bình khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe.

“Với dân số khoảng 100 triệu người, VN hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu của khu vực ASEAN. Song so với các nước trong khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô thì VN chịu thiệt thòi vì phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá xe cao” - Bộ Công Thương nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm