Đầu phiên giao dịch chiều ngày 30-11, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua, niêm yết giá mua vào – bán ra ở mức 66,4 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý lại tăng giá mua vào thêm 50.000 đồng/lượng và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, công bố giá giao dịch ở mức 66 – 67,1 triệu đồng/lượng.
Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng giảm giá mua vào đối với vàng miếng SJC là 50.000 đồng/lượng và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên chiều qua, đưa giá mua – bán xuống còn 66,45 – 67,15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng SJC tại đây chỉ còn 700.000 đồng/lượng, mức thấp nhất trong nhiều tuần trở lại đây.
Khác với xu hướng giảm của vàng miếng SJC, các loại vàng 9999 lại được điều chỉnh tăng giảm không theo quy luật nào. Đơn cử, vàng nhẫn 24K tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng tới 200.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, đẩy giá mua – bán lên 53,2 – 54,3 triệu đồng/lượng, nới chênh lệch giữa hai chiều lên tới 1,1 triệu đồng/lượng.
Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng chỉ tăng giá mua vào 200.000 đồng/lượng nhưng lại giữ nguyên giá bán ra so với cuối ngày hôm qua. Công ty này niêm yết giá mua – bán ở mức 53 – 53,8 triệu đồng/lượng, tương đương mức chênh lệch giữa hai chiều là 800.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Công ty vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ) có khoảng cách giá mua – bán vênh nhau là 700.000 đồng/lượng, niêm yết với mức giá 53,5 triệu đồng/lượng (mua) và 54,2 triệu đồng/lượng (bán), tăng 200.000 đồng mỗi lượng so với giá đóng cửa hôm trước.
Trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn bị mắc kẹt ở quanh ngưỡng 1.755 USD/ounce do nhà đầu tư chờ đợi một chất xúc tác mới. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng quốc tế tương đương 52,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 15 triệu đồng mỗi lượng.