Trong khi giá vàng miếng SJC vào đầu giờ chiều ngày 24-1 nơi tăng, nơi lại điều chỉnh giảm, giá vàng 24K vẫn duy trì sắc xanh.
Chênh lệch lớn
Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) giá niêm yết vàng miếng mua vào 74,2 triệu đồng/lượng, bán ra 76,7 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua.
Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như DOJI, PNJ, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, TPBank Gold đồng loạt điều chỉnh tăng mỗi lượng vàng miếng SJC khoảng 200.000 đồng/lượng, giá mua bán phổ biến ở mức 74,25 – 76,72 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại các cửa hàng kinh doanh vàng Mi Hồng và Eximbank lại giảm 500.000 đồng/lượng. Giá mua bán vàng miếng SJC tại Eximbank đang ở mức 73,5 – 76 triệu đồng/lượng, còn tại Mi Hồng là 74,9 – 75,7 triệu đồng/lượng.
Như vậy giá mua – bán vàng miếng SJC tại hai doanh nghiệp này đang có mức chênh lệch với các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác dao động từ 800.000 – 1.000.000 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch mua bán hiện tại vẫn giữ ở mức cao, lên đến 2,5 triệu đồng/lượng, cao gấp 3 lần khi thị trường “bình ổn”.
Với chênh lệch lớn như hiện tại, thì cả người bán lẫn người mua đều chịu thiệt, điều này khiến lực mua – bán trên thị trường trở nên yên ắng hơn.
Đối với các loại vàng nhẫn 24K, giá mua - bán được giao dịch phổ biến quanh mức 62,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,7 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng thêm 50.000 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên gần nhất.
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý (lúc 14 giờ theo giờ Việt Nam) dao động quanh mức 2.029 USD/ounce, cao hơn 8 USD/ounce so với giá mở cửa phiên hôm nay.
Thị trường vàng thế giới biến động nhẹ trong lúc nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân để dự đoán về lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn
Theo ông Erik Norland, chuyên gia kinh tế trưởng tại CME Group, thời gian gần đây, giá vàng đang được hỗ trợ do các nhà đầu tư kỳ vọng kim loại quý sẽ bật tăng mạnh mẽ khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
“Vàng thường được quảng cáo là hàng rào chống lạm phát một cách hữu hiệu, nhưng thực tế có phải như vậy không? Sự phục hồi của vàng từ năm 2001-2011 trùng hợp với lạm phát cơ bản ổn định ở mức khoảng 2%.
Ngược lại, từ năm 2021 - 2023, khi nền kinh tế Mỹ trải qua đợt lạm phát tăng mạnh nhất kể từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, giá vàng hầu như không tăng. Vậy, nếu không phải lạm phát thì điều gì thực sự thúc đẩy giá vàng đi lên? Và các nhà đầu tư nên mong đợi điều gì vào năm 2024 và 2025?”- ông Norland nói.
Vị chuyên gia này cho biết thêm: Một trong những yếu tố sẽ tiếp tục tác động đến giá vàng trong năm nay là hoạt động mua của các ngân hàng trung ương. Điều này sẽ tác động đến giá vàng trong dài hạn.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang xem vàng như một loại tiền tệ - hoặc ít nhất là một tài sản dự trữ và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC), họ mua vàng ngày càng nhiều.
Lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm do các ngân hàng trung ương đặt ra, kết hợp với gói nới lỏng định lượng – QE (tức là những chương trình mua trái phiếu với quy mô khổng lồ của các ngân hàng trung ương) để kích thích nền kinh tế đã khiến các ngân hàng trung ương ưa chuộng vàng hơn các loại tiền tệ. Cả xu hướng tăng lãi suất gần đây lẫn sự đảo ngược của QE dường như đều không làm dịu đi những lo ngại đó.
Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), cho biết tính chung cả năm 2023, ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng thêm 225 tấn vàng trong kho dự trữ ngoại hối, nâng tổng khối lượng vàng của quốc gia này lên 2.235 tấn (tính đến hết tháng 12-2023). Hiện nay, vàng chiếm 4,3% dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc.