Giấc mơ F-35 sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo UAV tàng hình mới thách thức Mỹ?

Không nản lòng trước việc bị Mỹ loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình hiện đại F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ một chương trình máy bay không người lái tàng hình bố trí trên tàu sân bay nhằm củng cố vị thế siêu cường về máy bay không người lái của nước này.

Theo trang tin The EurAsian Times, ông Selcuk Bayraktar – con rể Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đồng thời là giám đốc công nghệ công ty quốc phòng Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20-7 công bố video chia sẻ chi tiết về máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tương lai.

Ý tưởng thiết kế UAV chiến đấu MIUS của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Baykar

“Máy bay không người lái sẽ thay đổi khái niệm về chiến tranh trên không và sẽ thay thế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm” – ông Bayraktar nói trong video, một tuyên bố mỉa mai nhắm vào Mỹ - nước không thôi tự hào về tiêm kích F-35 thế hệ thứ năm của mình.

Có tên tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là MIUS (tức Hệ thống máy bay không người lái quốc gia), UAV này thậm chí sẽ sở hữu tốc độ siêu thanh, khả năng tàng hình và trọng tải tối đa 1,5 tấn.

Sau thông báo trên, công ty Baykar đã công bố những hình ảnh ý tưởng của UCAV MIUS, thể hiện biến thể trên tàu sân bay này có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn.

MIUS được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc chơi cho ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang trên đà khẳng định mình là siêu cường về UAV.

Sức mạnh ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ cùng chính sách quân sự và đối ngoại độc lập mang tính táo bạo đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ lo ngại, những người coi các hành động của Ankara đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên.

Dự án MIUS

Dự án MIUS được giới thiệu cùng với UAV Bayraktar TB2 và UAV vũ trang hai động cơ Akıncı tại Tuần lễ Đổi mới năm 2019.

Video cho thấy ông Bayrakta đi dạo bên trong trung tâm nghiên cứu và sản xuất UAV vũ trang của công ty Baykar ở Istanbul. Người xem cũng có thể nhìn thấy nhiều chiếc UAV chưa được lắp ráp hoàn chỉnh trong video.

Dựa vào những hình ảnh ý tưởng được lan truyền trên mạng, giới phân tích cho rằng MIUS sẽ là UAV một động cơ có thiết kế thân cánh pha trộn không đuôi được tối ưu hóa để giảm tiết diện radar. UAV MIUS sẽ có hai chân vịt nhưng không có cánh đuôi ngang và hai cánh đuôi đứng. Cửa nạp gió nằm ở mỗi bên của thân máy bay.

Ý tưởng thiết kế UAV chiến đấu MIUS có khả năng hoạt động trên tàu sân bay MIUS drone. Ảnh: Baykar

Trong video, ông Bayraktar nói rằng MIUS sẽ kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự hành của phi đội thông minh, cho phép nhiều phương tiện bay hoạt động độc lập hoặc bay cùng nhau và hỗ trợ máy bay chiến đấu có người lái.

“MIUS sẽ được sử dụng trong các vai trò chiến đấu khác nhau như hỗ trợ không lực tầm gần (close air support), áp chế và phá hủy hệ thống phòng không của đối phương cũng như chiến đấu không đối không” – ông cho biết.

Yếu tố độc đáo của máy bay MIUS là nó có thể cất cánh mà không cần hệ thống máy phóng, khiến MIUS trở thành một trong rất ít UCAV có thể vận hành từ tàu sân bay với khả năng cất cánh từ đường băng ngắn.

Công ty Baykar thông báo MIUS dự kiến hoạt động từ tàu tấn công đổ bộ kiêm sân bay LHD Anadolu vốn sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2022.

“Không như những nguyên mẫu khác đã được phát triển trong lĩnh vực này trên thế giới, khía cạnh quan trọng nhất là MIUS có thể cất và hạ cánh từ tàu sân bay. MIUS sẽ có thể cất và hạ cánh từ tàu sân bay có đường băng ngắn như LHD Anadolu. MIUS sẽ có thể cất cánh mà không cần sự trợ giúp của máy phóng và đáp xuống sàn tàu bằng hệ thống móc câu” – ông Bayraktar cho biết. Ông nói thêm đây sẽ trở thành một sự “phối hợp sức mạnh” (force multiplier) trên chiến trường.

Tháng 3-2021, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt ý tưởng chuyển đổi tàu tấn công đổ bộ LHD Anadolu tương lai thành tàu sân bay dành cho máy bay tấn công không người lái, theo trang tin Naval News.

Theo kế hoạch, nguyên mẫu MIUS sẽ cất cánh lần đầu vào năm 2023, khiến nó trở thành khí tài thứ ba hoạt động trên tàu LHD Anadolu cùng với UAV TB-3 và máy bay huấn luyện nội địa Hurjet, sau khi giấc mơ tiêm kích F-35 của nước này sụp đổ.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

Sau khi loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 nhằm đáp trả việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chia rẽ về tầm quan trọng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở vũ đài địa chính trị, theo báo Nikkei Asia.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: TWITTER

Một số thượng nghị sĩ Mỹ có quan điểm chống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu thêm các biện pháp hạn chế đối với nước này, cáo buộc Tổng thống Erdogan có hành vi cưỡng ép chính trị tại nước này và hậu thuẫn các lực lượng phi nhà nước trong các cuộc chiến Trung Đông.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phản đối việc ông Erdogan cung cấp hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia tại khu tranh chấp Nagorno-Karabakh, đồng thời cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho lính đánh thuê từ Syria sang chiến đấu cho Azerbaijan.

Tương tự, thượng nghị sĩ James Risch thuộc đảng Cộng hòa chất vấn Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này là thành viên của NATO mà lại mua hệ thống S-400 của Nga.

Tuy vậy, vẫn có một số thượng nghị sĩ Mỹ coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO quan trọng, trong đó có bà Victoria Nuland – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. Bà Nuland xác định mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ là “đa diện và phức tạp”.

“Quan hệ đối tác của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có nền quân đội lớn thứ hai trong khối NATO cho phép chúng tôi phát huy sức mạnh trong khu vực và bảo vệ sườn phía đông và phía nam của NATO” – bà đánh giá cao đề nghị của Ankara trong việc bảo đảm sân bay Kabul trong bối cảnh binh sĩ Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ là cường quốc quân sự

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay vào con đường để khẳng định nước này là cường quốc đáng kể với chính sách đối ngoại và quốc phòng độc lập.

“Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh, ý chí và quyết tâm loại bỏ triệt để mọi mối đe dọa đối với sự toàn vẹn của đất nước, sự thống nhất của quốc gia và sự lâu dài của nhà nước” – ông Erdogan nói trước các nhà lập pháp của đảng cầm quyền hồi đầu tháng 7.

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TWITTER

Một phần của năng lực quân sự đổi mới này là nâng cấp ngành quốc phòng bản địa, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công bằng việc khai thác công nghệ máy bay không người lái.

UAV quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có khách hàng ở mọi nơi trên thế giới và đã có tác động đáng kể đến kết quả chiến tranh trong khu vực. Một số chuyên gia quân sự mô tả hình thức chiến tranh mới này là giai đoạn mở đầu của một Cuộc cách mạng trong Các vấn đề quân sự (revolution in military affairs – RMA), theo Nikkei Asia.

Ví dụ, ở Syria, các cuộc tấn công bằng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy hai máy bay chiến đấu, hai UAV, tám trực thăng, 135 xe tăng và 10 hệ thống phòng không, trong khi giết chết hoặc làm bị thương nghiêm trọng 2.557 binh sĩ, theo ước tính của Ankara.

Tương tự, trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia, lực lượng Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã phá hủy 190 xe tăng chủ chiến, 100 xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh cùng với hàng chục hệ thống phòng không, giáng đòn trí mạng vào lực lượng Armenia.

Ở Libya và phía bắc Iraq, các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tiếp tục sử dụng máy bay chiến đấu không người lái để tấn công lực lượng nổi dậy. Hồi đầu năm 2021, một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cáo buộc UAV Kargu-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã tấn công binh sĩ đang chiến đấu ở Libya mà không có “con người điều khiển”. Thổ Nhĩ Kỳ đã bác cáo buộc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm