Việc ra quyết định “trảm” 69 tay đua không hoàn thành chặng đấu ở chặng hai sẽ làm cuộc đua kém hấp dẫn nhưng là quyết định dũng cảm của ban tổ chức và được ủng hộ vì làm sạch đường đua. Đáng trân trọng hơn là giúp các HLV, các tay đua tỉnh ra thay cho việc cứ đổ cho chiến thuật phải núp gió.
Thật ra sự việc tương tự như trên đã từng xảy ra. Tại cuộc đua xuyên Việt năm 2013, chặng thi đấu thứ ba từ Thanh Hóa đi Vinh, một tốp gần 20 tay đua mạnh nhất giải từng thực hiện chiến thuật “ru ngủ” đối phương theo kiểu “Trạng chết chúa cũng băng hà”. Nhưng lẽ ra các tay đua này bị loại theo điều lệ thì tất cả chỉ bị xử lý nhẹ bằng cách cộng thêm giờ phạt vào thành tích cá nhân chung cuộc.
Có ý kiến cho rằng chính sự nhân nhượng của ban tổ chức khi ấy đã tạo tiền lệ xấu cho các tay đua tiêu cực.
69 tay đua bị loại sẽ giúp ban tổ chức siết lại điều lệ cho những cuộc đua kế tiếp. Ảnh: MINH HOÀNG
Trong bài trả lời phỏng vấn của ban tổ chức giải, HLV Domesco Đồng Tháp Trần Văn Quýt nói rằng: “Từ HLV đến các VĐV đều chủ quan” để rơi vào tình huống này thì thật không thể chấp nhận được. Tất cả đã được quy định rất rõ ràng trong điều lệ thi đấu. Thậm chí có HLV đội đua chuyên nghiệp còn phát biểu tại cuộc họp khẩn xử lý vụ việc “một số đội quá nặng tính chiến thuật” dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười như trên. Từ sự cố hi hữu trên, cuộc đua đang nảy sinh ra nhiều vấn đề gây tranh cãi. Tại Điều 4.4 Điều lệ Cúp Truyền hình 2014 quy định về Giải thưởng chung cuộc: Giải chung cuộc đòi hỏi các tay đua phải hoàn tất 11 chặng thi đấu. Tức là 69 tay đua bị loại không còn được phép tranh chấp các danh hiệu cá nhân, thứ hạng chung cuộc ngoài 12 tay đua hoàn tất tốt lộ trình thi đấu. Tuy nhiên, do giải còn tám cuộc tranh tài dài ngày và gay go nhất ở chặng thi đấu thứ 8 Nha Trang - Đà Lạt vượt hai ngọn đèo Khánh Lê và Giang Ly, trong số 12 tay đua “đủ chuẩn” chỉ khoảng 5-6 tay đua đủ sức vượt đèo. Số còn lại đứng trước nguy cơ “chung xuồng” với nhóm 69 tay đua bị loại.
Đúng là ban tổ chức đang đứng trước hoàn cảnh khó sau cuộc xử trảm tập thể nhưng chắc chắn lịch sử sẽ ghi nhận sự nghiêm túc và dũng cảm này của những nhà tổ chức.
Một liều thuốc đắng cho các tay đua mạnh và cho chính những HLV để họ tỉnh hơn với tinh thần fair play cùng tiêu chí trung thực cần có trong thể thao.
Sau sự cố trên, hôm qua (21-4) chặng ba Vũng Tàu - Phan Thiết (168 km), tay đua Lê Văn Duẩn (Suntek Sao Việt TP.HCM) cán đích đầu tiên nhưng không ăn mừng chiến thắng do anh không còn quyền tranh chấp các danh hiệu cá nhân. Giải áo vàng, tay đua Hồ Huỳnh Vạn An (BVTV An Giang) tiếp tục nắm giữ, áo xanh tạm thời thuộc về Châu Đồng Hậu (Domesco Đồng Tháp). Đội Thanh Sơn Hóa Nông giữ ngôi đầu nội dung đồng đội.
Sáng nay (22-4), đoàn đua bước vào lộ trình gian khổ 168 km từ Phan Thiết đi Phan Rang dưới điều kiện thời tiết nắng gắt và ngược gió. Chặng đấu dự báo sẽ gây ra xáo trộn mạnh trên bảng xếp hạng đồng đội.
MINH QUANG
Từ hành động tiêu cực đến quyết định tích cực Sự cố 69 tay đua bị loại khỏi việc tranh chấp các danh hiệu cá nhân khi Cúp Xe đạp Truyền hình TP.HCM 2014 mới bước vào chặng hai có nhiều điều đáng để suy nghĩ. Trước hết cần phải nhìn vào danh sách bị loại đấy có hầu hết tuyển thủ quốc gia và những cua-rơ ở dạng tiềm năng. Thậm chí là có không ít tay đua từng có kinh nghiệm chiến trường ở những đấu trường quốc tế. Hơn hết là những người chỉ đạo cho các cua-rơ này đều là những HLV giỏi của quốc gia, trong đó có cả những HLV đã và đang tham gia trong thành phần ban huấn luyện đội tuyển quốc gia.
Vì thế mà sự cố trên là cái tát cho giới xe đạp Việt Nam và hơn hết là cho những ê-kíp mạnh, những cua-rơ giỏi và cả những HLV có nghề. Với Cúp Truyền hình TP.HCM đầu tiên và những buổi sơ khai của làng xe đạp Việt Nam mong có những đường đua dài và chất lượng thì chắc hẳn nhiều người sẽ hiểu được điều đáng quý khi có những sân chơi như thế. Từ những đường đua đấy mà những nhà tổ chức nhọc công gìn giữ rồi nâng lên thành những đường đua tầm cỡ đấy mà xe đạp Việt Nam có mặt trên bản đồ khu vực mà gần nhất là chiếc HCV đồng đội SEA Games 27… Thế mà bây giờ trở về “ao nhà” thì họ lại tị nạnh nhau và đấu nhau một cách tiêu cực để cùng “chết chùm” như thế. Trong 69 cua-rơ bị tước quyền tranh chấp các giải cá nhân và hàng loạt các HLV gạo cội của họ, có ai cảm thấy mắc cỡ với hành vi tiêu cực của mình. Có ai xót với tiền của, với công sức tập luyện bỗng chốc mất hết vì những toan tính tiêu cực? Cảm ơn ban tổ chức đã dũng cảm giữ nghiêm điều lệ và cho những cua-rơ, những HLV liều thuốc đắng cần thiết vì sự phát triển chung của xe đạp Việt Nam. NGUYỄN NGUYÊN |