Theo ông Lê Tuấn Anh, hai tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đã tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm 2019 cả về tiến độ và mức thực hiện. Tính đến ngày 29-2, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương là hơn 34.749 tỉ đồng (đạt 7,38% kế hoạch được giao). Nhiều cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đạt cao như Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt hơn 31%, Hội Nông dân Việt Nam (hơn 13%), Bộ Quốc phòng (14,4%)… Các địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đạt cao là Ninh Bình (đạt hơn 38%), Nam Định (hơn 24%), Lạng Sơn (hơn 23%)…
Ông Lê Tuấn Anh cũng cho biết mặc dù tiến độ giải ngân vốn hai tháng đầu năm có tăng nhưng vẫn thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do hầu hết các bộ, ngành, địa phương đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và triển khai phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án đã được bố trí.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, tổng hợp số vốn chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương. Sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, ngành và địa phương làm căn cứ giao kế hoạch vốn năm 2020.
Đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, chi tiết từng tháng cho các dự án làm cơ sở để điều hành…
Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng. Tập trung đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Cùng với đó phải theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.