Giải pháp xóa nạn vẽ bậy

(PLO)- Để xóa bỏ nạn vẽ bậy, người dân và chính quyền đã chung tay biến những bức tranh xấu thành tác phẩm tranh ảnh, tạo cảnh quan đẹp nơi công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng vẽ bậy ở một số nơi trên địa bàn TP.HCM đã gây thiệt hại cho người dân, làm mất mỹ quan đô thị. Một số nơi, chính quyền đã cho lắp đặt camera, tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền để khắc phục.

Người dân ở những nơi có tình trạng vẽ bậy cũng đã chung tay cùng chính quyền xóa tình trạng trên bằng cách trang trí, vẽ lại những nơi bị vẽ bậy bằng những bức tranh đẹp, có ý nghĩa.

Tác phẩm “Chợ Bến Thành” trên bức tường ở phường 11, quận Phú Nhuận. Ảnh: THƠ - NGÂN

Tác phẩm “Chợ Bến Thành” trên bức tường ở phường 11, quận Phú Nhuận. Ảnh: THƠ - NGÂN

Cải tạo tường cũ, vẽ tranh mới

Bà Ngọc Hạnh (phường 10, quận Phú Nhuận) cho biết trước đây, gần nhà bà có một bức tường lớn nằm ngay mặt tiền bị vẽ bậy với đủ thứ hình ảnh, trông rất xấu, gây mất mỹ quan. Để tạo môi trường cảnh quan đẹp trong khu phố, bà con ở đây đã cùng chung tay xóa những hình vẽ bậy.

“Việc này cũng vì lợi ích chung của cộng đồng nên người dân ai cũng đồng thuận, vui vẻ cùng nhau thực hiện để khu phố ngày càng sạch đẹp, văn minh hơn” - bà Hạnh nói.

Theo ông Lý Thành Hưng (phường 11, quận Phú Nhuận), tình trạng vẽ bậy cũng có ở chung cư nơi ông đang ở. Những bức tường của chung cư đã bị một số thanh niên nơi khác đến xịt sơn vẽ đủ thứ nhìn rất phản cảm. Một số người dân thiếu ý thức lại chọn nơi này làm điểm đổ rác tự phát.

Sau đó, người dân nơi đây đã cùng nhau cải tạo bức tường và môi trường xung quanh. Những hình vẽ cũ được cạo xóa, chà rửa cho sạch, sơn lại lớp sơn mới, sau cùng mới trang trí bức tường bằng những bức tranh phong cảnh đẹp.

“Khi hoàn thành bức tranh, bộ mặt của cả khu phố đã được thay đổi. Người dân đã ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường, thường xuyên quét dọn khu vực xung quanh sạch sẽ, khang trang. Không ai còn dám đến vẽ bậy, xả rác ở khu vực này nữa” - ông Hưng nói.

Phường và người dân chung tay thực hiện

Bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận, cho biết trước đây tình trạng vẽ bậy có xảy ra trên địa bàn phường, vì vị trí của phường nằm ngay trung tâm, có nhiều mặt tiền lớn nên việc vẽ bậy ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan nơi công cộng. Thời gian qua, phường đã đưa ra một số biện pháp để hạn chế vẽ bậy trên địa bàn như vẽ tranh, lắp đặt camera ở các tuyến hẻm, tuyên truyền người dân chung tay làm khu phố sạch đẹp...

Các bức tranh sau khi vẽ lại đã loại bỏ hoàn toàn được nạn vẽ bậy trên địa bàn phường, người dân cũng nâng cao ý thức hơn, không còn vứt rác bừa bãi nơi công cộng.

“Phường đã vận động người dân chung tay thực hiện vẽ tranh có nội dung tuyên truyền liên quan đến vệ sinh môi trường, bảo vệ trẻ em, PCCC, tranh minh họa... ở những nơi đã bị hoặc có nguy cơ sẽ bị vẽ bậy. Sau đó nhờ người dân ở khu phố hỗ trợ, nếu thấy tình trạng vẽ bậy tái diễn thì báo ngay cho phường để tìm cách xử lý. Kể từ khi thực hiện, không xảy ra bất kỳ trường hợp vẽ bậy nào nữa” - bà Huệ nói.

Còn tại phường 11, thời gian trước cũng xuất hiện tình trạng vẽ bậy nơi công cộng, năm 2020 UBND phường quyết định lên kế hoạch và thực hiện ngay mô hình “Cải tạo tường cũ thành tác phẩm tranh đường phố”.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, cho biết tính đến nay mô hình đã tạo ra tám tác phẩm. Nội dung của tác phẩm chủ yếu là hình ảnh kiến trúc của TP.HCM và những hình ảnh đẹp như chợ Bến Thành, Bưu điện TP, làng trúc, hoa sen… Nổi bật nhất là tác phẩm chợ Bến Thành được vẽ trên một bức tường dài 18 m, rộng 2,5 m, kinh phí thực hiện khoảng 30 triệu đồng. Toàn bộ là kinh phí được người dân, doanh nghiệp và mạnh thường quân hỗ trợ.

Hiện nay, các bức tranh sau khi vẽ lại đã dẹp được nạn vẽ bậy trên địa bàn phường, người dân cũng nâng cao ý thức hơn, không còn vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Đặc biệt, các bức tranh đã trở thành địa điểm check in của người dân sinh sống tại đây và thu hút được sự chú ý của cả khách du lịch.

Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, tình trạng vẽ bậy, bôi bẩn lên tường, cửa cuốn nhà dân hay các tủ điện… xảy ra ở nhiều địa phương chứ không riêng ở quận 3. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.

Địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân có nhà mặt tiền đường giám sát, khi phát hiện người vẽ bậy thì báo cho địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Khuyến khích, vận động các đoàn thể vẽ tranh đường phố, vẽ tranh cổ động trên các bức tường dài, nhà trẻ, trường học và xung quanh ga Sài Gòn… để vừa hạn chế tình trạng vẽ bậy vừa làm đẹp mỹ quan đô thị.•

Gọi nhà mạng để xử lý nạn xịt sơn số điện thoại lên cột điện

Đến nay, quận Gò Vấp vẫn chưa phát hiện, xử phạt trường hợp nào liên quan đến hành vi vẽ bậy trên tường, nơi công cộng. Những người này thường vẽ vào ban đêm, rất khó để ngăn chặn kịp thời.

Để hạn chế tình trạng vẽ bậy trên tường, quận sẽ giao những công trình công cộng về các đơn vị quản lý. Đối với những trường hợp đã vẽ, quận tổ chức khắc phục bằng cách sơn lại.

Đối với dạng xịt sơn số điện thoại hoặc dán quảng cáo trên tường, cột điện thì nhiều năm nay quận vẫn kiểm tra và xử lý quyết liệt. Cụ thể, với những số điện thoại quảng cáo theo kiểu bôi bẩn trên tường, công trình công cộng thì quận sẽ liên hệ các nhà mạng, gọi cho số điện thoại quảng cáo để xử lý. Với cách này, hiện tình trạng xịt sơn, dán quảng cáo trên cột điện ở địa bàn đã được hạn chế rất nhiều.

Ông ĐỖ ANH KHANG, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm