Chiều tối 29-7, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, chia sẻ những thông tin xung quanh vấn đề trùng tu Chùa Cầu (TP Hội An) gây xôn xao dư luận.
Theo ông, mấy ngày vừa qua ông nhận được rất nhiều người quan tâm điện thoại, nhắn tin hỏi quan điểm của ngành văn hóa tỉnh về kết quả thực hiện dự án trùng tu Chùa Cầu. Tuy nhiên, do công việc bận nên ông chưa trả lời hết.
Chiều nay, ông Hồng chính thức lên tiếng về các thông tin liên quan đến dự án trùng tu Chùa Cầu.
Với vai trò quản lý ngành văn hoá của tỉnh, ông nhận thấy Chùa Cầu là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hoá đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An - vừa là Di sản Văn hoá thế giới.
“Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần chứ không phải lần trùng tu này là đầu tiên. Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến và đã được UBND TP Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hoá và các quy trình, thủ tục pháp lý.
TP đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phía Nhật Bản (Jica, Đại sứ quán và các đối tác) và đã được UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn”, ông Hồng khẳng định.
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho hay theo báo cáo của Hội An và thực tế tại di tích Chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu cho thấy, Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.
“Việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An, nhất là hình ảnh cổ kính của Chùa Cầu và Quảng Nam”, theo ông Hồng.
Ông Hồng khẳng định, ngành văn hoá và TP Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn”, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Như PLO thông tin, sau trùng tu, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần khung che chắn lộ ra hình ảnh Chùa Cầu mới lạ. Diện mạo mới của Chùa Cầu sau trùng tu nhận nhiều ý kiến khen – chê từ dư luận.
Nhiều người cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi vẻ cổ kính, “trẻ hoá” Chùa Cầu – di tích có tuổi đời gần 500 năm tuổi, đã trở thành biểu tượng của Hội An.
Ngược lại, có ý kiến chuyên gia cho rằng việc trùng tu Chùa Cầu đã đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tính chân xác của di tích.