Ngày 28-5, ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận đã cung cấp thông tin tình hình khắc phục bùn cát sạt lở ở Mũi Né tại cuộc giao ban báo chí tháng 5-2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Bình Thuận tổ chức.
Theo ông Cường, sau khi xảy ra sự cố sạt lở bùn cát tại dự án Sentosa Mũi Né vào rạng sáng 21-5, gây ách tắc giao thông và chôn lấp tài sản người dân, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương khắc phục hậu quả và có phương án không để xảy ra vụ việc tương tự.
Tuy nhiên, theo ông Cường, sáng 28-5 đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đến kiểm tra thì chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục xong và tiếp tục gia hạn thêm một ngày nữa. Tại dự án có hai khu vực đồi cao, nguy cơ tiếp tục sạt lở rất lớn.
Ông Cường cho biết, lỗi là do chủ đầu tư nên họ phải khắc phục nhưng không thể lấy bao đất để chắn và điều chỉnh dòng chảy, nếu mưa sẽ cuốn hết tất cả xuống. Nếu sạt lở thì hậu quả nặng nề, do đó, phải thay đổi vật liệu.
“Chúng tôi cũng đang cho kiểm tra lại tính pháp lý của dự án để tiếp tục thông tin đến báo chí", ông Cường nói.
Theo ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, từ ngày 19 đến ngày 20-5, trên địa bàn phường Hàm Tiến và Mũi Né, có mưa to đến rất to, vào khoảng 0 giờ 30 phút sáng 21-5, lượng nước mưa từ trên phía đồi cao (khu vực dự án Sentosa) chảy mạnh đã kéo theo bùn cát tràn xuống tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng ảnh hưởng đến giao thông, phương tiện, tài sản... của nhân dân.
Tại vị trí cát tràn trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Mũi Né (đoạn từ quán ăn Viễn Phương đến Nhà hàng Đại Dương Xanh), lượng bùn cát từ trên đồi dự án Sentosa tràn xuống đường, gây ngập cát trên bề mặt đường, lớp bùn cát lấp khoảng từ 1 m - 2 m, chiều dài 2 đoạn khoảng 200 m.
Ngoài ảnh hưởng giao thông, bùn cát làm dính sáu chiếc xe máy; ngập một xe 16 chỗ với chiều cao khoảng 2,3 m và ngập 1 xe khách 52 chỗ với chiều cao khoảng 0,5 m.
Cát còn tràn lấp hết bãi xe của Nhà hàng Đại Dương Xanh với chiều cao khoảng 2 m, ngập cát vào khu vực chứa máy phát điện của Nhà hàng với chiều cao khoảng từ 0,3 - 0,5m…
Theo hồ sơ, khu vực dự án nói trên, ngày 26-6-2006, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn thực hiện Dự án đầu tư trồng rừng, trồng cây lâu năm kết hợp du lịch sinh thái với diện tích 16,6 ha.
Ba năm sau, năm 2009 Công ty kiến nghị xin chuyển đổi toàn bộ diện tích đất dự án trồng rừng sang đầu tư xây dựng biệt thự, villa và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng kinh doanh khu chung cư cao tầng, khách sạn 3 sao, biệt thự bán và cho thuê, công viên biển, cầu vượt và các công trình dịch vụ thương mại khác.
Tại thời điểm chấp thuận đầu tư dự án Sentosa Villa, khu đất trên chưa được quy hoạch là đất ở đô thị. Năm 2014, dù Công ty chưa lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây lâu năm sang đất sản xuất kinh doanh dịch vụ và đất ở đô thị, chưa được cấp giấy phép xây dựng các hạng mục công trình nhưng đã tác động thi công, san lấp toàn bộ mặt bằng, đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục kết cấu hạ tầng trên toàn bộ mặt bằng diện tích đất của dự án.
Tuy nhiên, gần 2 năm sau các ngành chức năng ở Bình Thuận mới phát hiện hành vi tự chuyển mục đích, làm thay đổi toàn bộ hiện trạng đất cây lâu năm nên đã quá thời hạn quy định xử phạt, do đó không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.