Giám sát bầu cử, chủ động giải quyết nhanh đơn tố cáo

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH), Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã dự hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử đại biểu (ĐB) QH lần đầu thuộc khối các cơ quan QH. Hội nghị do Ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH tổ chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MTTQ

Trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử ĐBQH

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn khẳng định ĐBQH chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của QH; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH có sự đóng góp quan trọng của ĐBQH chuyên trách.

Việc lựa chọn đảm bảo chất lượng, số lượng ĐBQH chuyên trách trước hết là trách nhiệm của Đảng đoàn QH, Ủy ban Thường vụ QH, đồng thời phải có sự nỗ lực cố gắng về trình độ, năng lực, thế mạnh của mỗi ứng cử viên.

Chia sẻ với những áp lực mà các ứng cử viên ĐBQH phải đối mặt, nhất là các ứng cử viên lần đầu, ông Trần Thanh Mẫn mong muốn các ứng cử viên dựa trên thế mạnh của bản thân, cố gắng tìm hiểu tình hình tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để trao đổi với cử tri một cách hợp lý.

Theo ông Mẫn, các ứng cử viên nên trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị tập luyện từ phong cách, thần thái đến nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin, chân thành, hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác tại QH để cử tri tin tưởng bỏ phiếu.

Nhấn mạnh lãnh đạo QH rất quan tâm xây dựng đội ngũ ĐBQH chuyên trách, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn chỉ rõ đây là hội nghị rất quan trọng nhằm cung cấp thông tin, kỹ năng, bài học thực tiễn trong vận động bầu cử. “Các ĐB tham dự hội nghị đầy đủ, trách nhiệm để đạt hiệu quả thiết thực” - Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị.

16 tỉnh đã tổ chức các hội nghị hiệp thương

Cùng ngày, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát (đợt 1) bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết đến thời điểm này, các công tác liên quan bầu cử cũng như các công việc của MTTQ Việt Nam đã và đang được triển khai chủ động, tích cực. Việc hướng dẫn và thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành kịp thời.

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì thực hiện giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, TP. MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn quốc cũng đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực.

Báo cáo giám sát lần này cho thấy công tác quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử của Trung ương tại các địa phương đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, rộng rãi. Các tỉnh được kiểm tra, giám sát đã thành lập Ban chỉ đạo bầu cử, các tổ giúp việc; ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện cuộc bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của 16 tỉnh đã tổ chức các hội nghị hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp được tổ chức dân chủ, công khai, đúng pháp luật, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao.

Tính đến 17 giờ ngày 14-3, Ủy ban bầu cử các tỉnh đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử. Đặc biệt, các tỉnh đều chú trọng việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm kiểm tra, giám sát, Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước chưa nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử.

Các tỉnh còn lại đều nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và đều trong quá trình giải quyết. Đặc biệt, ở Đắk Nông, Ủy ban bầu cử các cấp tiếp nhận được tám đơn khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, có sáu trường hợp được xác định là tố cáo sai hoặc không có cơ sở, một trường hợp đang thực hiện xem xét kỷ luật và một trường hợp đang giải quyết.

Ông Ngô Sách Thực cho rằng: Kinh nghiệm bước đầu qua giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.

Dự kiến đợt giám sát thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 20-4 đến 22-5 với năm đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Cần Thơ chốt danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, HĐND

Chiều 15-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, các ĐB tại hội nghị đã thống nhất thỏa thuận lựa chọn, lập danh sách 87 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2021-2026 và 10 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV. Danh sách người ứng cử ĐBQH tại TP Cần Thơ còn ba người do Trung ương giới thiệu về chưa được công bố.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, cho biết đến ngày 10-4, Ủy ban MTTQ cấp xã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Đến ngày 13-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã nhận được biên bản về việc lấy ý kiến này.

Theo danh sách sơ bộ tại hiệp thương lần hai, có 15 người ứng cử ĐBQH (hai người tự ứng cử) và 106 người ứng cử ĐB HĐND TP (hai người tự ứng cử).

Cũng theo ông Nhân, có hai người có đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử gồm một người ứng cử ĐBQH và một người ứng cử ĐB HĐND TP. NHẪN NAM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm