Giám sát điện tử thay thế tạm giam: Biện pháp tiến bộ, phù hợp xu thế

(PLO)- Theo các chuyên gia, biện pháp giám sát điện tử tạo điều kiện cho người chưa thành niên học tập và sinh hoạt bình thường dưới sự giám sát; tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể.

Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, một nội dung trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử (GSĐT) thay thế biện pháp tạm giam đối với NCTN phạm tội.

Theo Điều 136 dự thảo luật, GSĐT là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào nhân thân và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nếu xét thấy cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền nhưng không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, NCTN sẽ được xem xét áp dụng biện pháp GSĐT.

Dự thảo luật cho phép quy định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2028, trễ hơn hai năm so với hiệu lực chung để đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị.

Biện pháp tiến bộ và phù hợp với xu thế chung

Phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định

Biện pháp GSĐT được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh, Hà Lan… Hiện nay, pháp luật của các quốc gia này vẫn tiếp tục duy trì chế định GSĐT và quy định rõ ràng về cách thức thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng.

Riêng tại Trung Quốc (quốc gia có truyền thống pháp lý và nhiều yếu tố tương đồng với Việt Nam về điều kiện kinh tế - xã hội, hệ thống tư pháp NCTN) thì NCTN bị GSĐT phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định, bao gồm có mặt theo yêu cầu và tham gia các buổi tư vấn, hoạt động giáo dục bắt buộc.

Họ không được tự ý rời khỏi khu vực cư trú nếu không có sự đồng ý của cơ quan giám sát. Việc tham gia đầy đủ các chương trình giáo dục là tiêu chí quan trọng để đánh giá quá trình chấp hành nghĩa vụ.

ThS LÊ BÁ ĐỨC, Công ty Luật TNHH Luật Hoàng và Cộng sự

Luật sư (LS) Lâm Quang Quý (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá rằng GSĐT thay thế biện pháp tạm giam là quy định tiến bộ và phù hợp với xu thế chung trong hoạt động tố tụng.

Khi được áp dụng các biện pháp này, NCTN bị buộc tội có thể tiếp tục học tập, lao động mà vẫn không làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

LS Quý nhấn mạnh nguyên tắc chung là khi áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo là NCTN phải được xem xét kỹ lưỡng, tránh xâm hại hay làm tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do đi lại và lao động, học tập của NCTN.

Việc GSĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng theo dõi sát sao NCTN bị buộc tội mà không tốn nhiều thời gian, công sức. Nếu mục đích áp dụng biện pháp GSĐT không đạt được thì chúng ta vẫn có thể thay đổi áp dụng biện pháp ngăn chặn khác phù hợp” - LS Quý phân tích.

Cùng quan điểm trên, LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng ngoài biện pháp tạm giam, BLTTHS cũng quy định các biện pháp khác như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Việc bổ sung biện pháp GSĐT phù hợp với tình hình hiện nay. Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể giám sát bị can, bị cáo trong phạm vi cho phép; bị can, bị cáo vi phạm thì có thể bị thay thế bằng biện pháp khác như tạm giam.

“NCTN ngoài sự giám sát của cơ quan tiến hành tố tụng còn có sự giám sát của người giám hộ. Do đó, nếu được áp dụng GSĐT thì NCTN phạm tội sẽ tránh được việc phải tiếp xúc với những yếu tố tội phạm” - LS Hoan phân tích.

Cần có quy định cụ thể

LS Nguyễn Thị Kim Phượng (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá biện pháp GSĐT có tính chất giáo dục và phục hồi, tạo điều kiện cho NCTN học tập và sinh hoạt bình thường dưới sự giám sát. Biện pháp này phù hợp với chính sách nhân đạo của Nhà nước, đảm bảo các em có cơ hội tái hòa nhập xã hội một cách tích cực hơn.

Tuy nhiên, LS Phượng cũng bày tỏ lo ngại về hiệu quả của việc quản lý khi mà vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật và năng lực của cơ quan giám sát còn chưa đồng đều ở từng địa phương; nguy cơ tái phạm; tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội.

“Việc thay thế tạm giam bằng GSĐT nên được áp dụng cho các trường hợp NCTN có hành vi phạm tội ít nghiêm trọng và không gây nguy hiểm lớn cho xã hội” - LS Phượng đề xuất.

Còn theo LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), biện pháp GSĐT cần được xây dựng dựa trên các tiêu chí rõ ràng, cụ thể. “Cần có các tiêu chí linh động cho phù hợp từng khu vực khác nhau, như cơ sở hạ tầng về thiết bị giám sát, điều kiện kinh tế, thời gian… của người thân trong gia đình NCTN. Cần đảm bảo trong quá trình người này bị GSĐT, người thân phải có đủ thời gian để chăm sóc, hỗ trợ. Những yếu tố này rất quan trọng, giúp NCTN có được sự quan tâm, chăm sóc tốt khi chẳng may vướng vào vòng lao lý” - LS Phát nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, LS Phát cho rằng đối với các loại tội phạm do lỗi cố ý như mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; giết người, cố ý gây thương tích… thì không nên áp dụng biện pháp này. Trong trường hợp này, biện pháp cách ly NCTN khỏi xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe, giúp NCTN tránh xa các mối quan hệ xấu...

Biện pháp giám sát điện tử đã được áp dụng phổ biến trên thế giới đối với một số loại tội phạm và không chỉ đối với tội phạm chưa thành niên phạm tội. Đây là một biện pháp ngăn chặn có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, nên cần có các quy định làm rõ cách thức quản lý, giám sát, thiết bị cũng như cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, nhằm đảm bảo tính khả thi của biện pháp này.

Bên cạnh đó thì việc tuyên truyền để mọi người hiểu rõ biện pháp ngăn chặn này mang tính nhân đạo và nhân văn đối người chưa thành niên phạm tội; giúp họ không bị cách ly khỏi gia đình và xã hội trong hoàn cảnh ở trại giam chung với các tội phạm khác, có thể bị ảnh hưởng xấu do nhận thức non nớt.

Có quan điểm cho rằng việc đeo thiết bị giám sát sẽ gây mặc cảm hay có nhìn phân biệt của cộng đồng. Theo tôi, người phạm tội nếu bị giam cách ly với xã hội còn mặc cảm hơn và còn phải chịu nhiều sự thiệt thòi khác hơn là được có cơ hội hòa nhập cuộc sống trong gia đình với sự giúp đỡ giáo dục của gia đình và xã hội.

Tôi đã từng chứng kiến một người sinh viên phạm tội lái xe khi say rượu gây tai nạn đã bị tòa tuyên phạt quản lý giám sát bằng thiết bị đeo ở chân trong thời gian 1 năm. Anh ta vẫn được đi học, đi chơi vẫn đeo thiết bị giám sát; anh ta chỉ thấy khó chịu rằng mình không được uống bia rượu khi đi chơi với bạn bè chứ mọi chuyện đều bình thường vì anh ta hiểu rằng đây là bài học anh ta phải trả giá cho sự dại dột của mình.

Tôi nhận thấy biện pháp ngăn chặn này đối với người chưa thành niên là hoàn toàn phù hợp, tạo điều kiện cho người chưa thành niên dần nhận thức được hành vi phạm tội của mình qua sự giám sát, giáo dục của gia đình, của cộng đồng xã hội; qua đó phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội trong quá trình tổ chức các hoạt động này.

TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới