Sáng 5-8, hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm 2016-2017 do Bộ GD&ĐT chủ trì đã diễn ra với sự tham gia của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tới dự hội nghị, tại đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cùng nhiều lãnh đạo các ban, ngành.
Chất lượng nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, toàn ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Bộ trưởng Nhạ cũng nêu ra nhiều tồn tại và yếu kém của ngành khiến xã hội bức xúc. Chẳng hạn như việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, điều hành hiệu quả chưa cao; việc phân luồng học sinh chưa hiệu quả; kết quả dạy và học tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học còn hạn chế; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng…
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã đề ra chín nhiệm vụ và năm giải pháp cơ bản cho ngành giáo dục trong năm học tới. Trong đó, Bộ trưởng Nhạ khẳng định nhiệm vụ nâng cao chất lượng của nhà giáo và quản lý giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm nhất trong các nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, trong các giải pháp thì ông Nhạ cho rằng giải pháp cải cách thể chế giáo dục là giải pháp có tính đột phá và cần được ưu tiên.
Theo Bộ trưởng Nhạ, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm thành những đề án, dự án cụ thể để phối hợp với các bộ, ngành. Đặc biệt là các địa phương thực hiện, chuyển dần từ đánh giá định tính sang định lượng, cần làm tốt việc nhỏ sẽ tạo ra được việc lớn mang tính bền vững.
Tới đây, học sinh sẽ được giảm tải nội dung để tập trung hơn vào giáo dục nhân cách. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hình thành nhân cách, phát hiện nhân tài
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh những thành công, thời gian qua, giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập. Trong đó, bậc phổ thông chưa coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống; các hiện tượng bạo lực học đường hay tội phạm vị thành niên là ví dụ. Bên cạnh đó, học sinh còn thiếu kỹ năng sống, còn yếu ngoại ngữ. Số trường đại học tăng nhanh nhưng điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với nhu cầu xã hội. Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, khâu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ có những dấu hiệu đáng lo ngại. Nhiều tiến sĩ thiếu công trình khoa học có giá trị, thiếu tính ứng dụng cho xã hội.
Giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục, Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục phổ thông là nền tảng của giáo dục nói chung, hình thành nhân cách người công dân Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần đảm bảo chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; Thủ tướng yêu cầu phải giảm tải nhanh cho các cháu, không quá nặng về khối lượng, thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ.
“Muốn xây dựng đất nước bền vững, phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc. Để làm được điều đó, ngành giáo dục và đào tạo cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chín nhiệm vụ trọng tâm của GD&ĐT năm học 2016-2017 1- Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; 2- Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; 3- Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; 4- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; 5- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; 6- Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; 7- Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; 8- Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; 9- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ __________________________________ Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tới đây học phí phải được nghiên cứu theo đúng xu thế. Học phí đại học thì theo tinh thần tự chủ. Còn ở phổ thông nên chăng miễn học phí bậc THCS nhưng phải làm đề án để trình một cách cụ thể. Với chuyện dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục rất nỗ lực để kéo giảm nhưng nó phụ thuộc nhiều yếu tố như sự gương mẫu của giáo viên, trường lớp… Nếu chúng ta đủ trường lớp để các cháu học hai buổi/ngày thì áp lực dạy thêm, học thêm sẽ giảm đi. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó và cần có thời gian... |