Đó là một trong những giải pháp đáng lưu ý của Sở GD&ĐT TP.HCM nêu ra để quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm tại buổi làm việc của Ban Văn hóa Xã hội của HĐND TP.HCM với Sở GD&ĐT TP sáng 31-8.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết theo khảo sát của Sở GD&ĐT, chỉ có khoảng 1/3 HS đang học thêm, con số này không cao vì phần lớn các em vẫn tự học hoặc tham gia bồi dưỡng.
Ba nguyên nhân dẫn đến học thêm
Theo ông, nguyên nhân dạy thêm học thêm có hai dạng. Thứ nhất, do xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS để đáp ứng yêu cầu của thi cử và kiến thức, số này chiếm đa số. Một phần do phụ huynh HS lo thi cử cuối các cấp như tuyển sinh lớp 10 và cuối lớp 12 để vào được các trường như mong muốn. Hơn nữa, đề thi THPT Quốc gia hiện nay phân hóa "ác liệt" quá, nặng kiểm tra kiến thức hơn theo hướng phát triển kỹ năng khiến HS buộc phải học thêm. Thêm vào đó, sĩ số HS hiện nay rất lớn, một giáo viên giỏi cỡ mấy cũng không thể truyền đạt hết kiến thức đến từng em và cho các em tập luyện được.
Thứ hai, là do biến tướng từ dạy thêm, xuất phát từ một số tiêu cực như o ép HS... nhưng số này chỉ chiếm khoảng 10%. Và thời gian qua, Sở và các trường đã cố gắng để xử lý và hạn chế vấn đề tiêu cực này. Như năm qua, Sở kiểm tra tại 14 đơn vị và kiên quyết xử lý ở mức cao nhất nếu có phát hiện vi phạm.
Theo ông Hiếu, một thực tế khác khiến các trường tổ chức dạy thêm là có nguồn thu tăng thêm cho giáo viên...
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng một thực tế khiến các trường dạy thêm vì sẽ có thêm nguồn thu tăng thêm cho giáo viên, trường có nguồn chi trả cho những giáo viên và nhân viên mà trường phải hợp đồng thêm vì biên chế không có. Vì thế, việc ngưng dạy thêm này sẽ gây không ít khó khăn cho các trường hiện nay.
Theo ông Hiếu, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị chấm dứt việc thuê mướn cơ sở của trường công để dạy thêm. Và hiện Sở cũng đã nhận được rất nhiều yêu cầu cấp phép dạy thêm bên ngoài và sắp tới Sở sẽ kiểm tra, đảm bảo điều kiện mọi mặt mới cấp phép chứ không phải muốn cấp phép là được.
5 giải pháp quản lý dạy thêm học thêm
Sở cũng nêu ra năm giải pháp để quản lý chặt việc dạy thêm học thêm hiện nay.
Cụ thể, Sở không cho phép giáo viên dạy HS mình đang dạy chính khóa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ xử lý ở mức cao nhất là buộc thôi việc nếu giáo viên vi phạm. Sở đề nghị nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý giáo viên dạy thêm.
Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình.
Ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường.
Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để tiến hành thanh kiểm tra để chấm dứt dạy thêm sai quy định.
Sở sẽ tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp giảng dạy và chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng học thuộc...
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng Sở đã rất quyết liệt trong việc chấm dứt dạy thêm học thêm vì nó đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc buộc thôi việc giáo viên nếu vi phạm cần phải được xem xét kỹ càng. Chúng ta cần có lộ trình để thực hiện, tuyên truyền rộng rãi, tìm hiểu ngọn ngành khi phát hiện vi phạm và tùy từng trường hợp để có cách xử lý khéo léo, tránh gây tổn thương cho đội ngũ nhà giáo.
Theo báo cáo của Sở GD&DT TP.HCM, thống kê hiện nay, TP có khoảng 100.000 HS tiểu học có học thêm văn hóa ngoài giờ (chiếm 20%), có khoảng 190.000 HS trung học đang học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 HS tham gia học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu là các môn toán, lý, hóa. Thời gian qua, Sở đã cấp phép cho 82 đơn vị trường THPT, trung tâm GDTX dạy thêm trong nhà trường với 80.000 HS. Có 34 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. UBND các quận, huyện cũng cấp phép cho 106 đơn vị THCS dạy thêm trong nhà trường với khoảng 110.000 HS, cấp phép cho 47 cá nhân và tổ chức dạy thêm ngoài trường với khoảng 10.000 HS. TP không cấp phép dạy thêm cho khối tiểu học. |