“Chết rồi, vậy không biết tôi có bị nhiễm HIV chưa đây”. Vừa nói y sĩ Dương Hoàng Kim Khánh vừa nhìn chằm chằm vào ngón trỏ tay phải, ánh mắt đầy nỗi lo. Đó là một trong những nỗi lo lắng của nhân viên cấp cứu 115 khi tiếp cận bệnh nhân cần cấp cứu ngay tại hiện trường.
Lo cấp cứu, quên mọi hiểm nguy
Câu chuyện bắt đầu vào chiều 28-4, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận được điện thoại báo tin có một thanh niên say xỉn té chảy máu và bất tỉnh tại nhà. Người gọi điện thoại còn nói rõ thanh niên này có HIV.
Nhân viên trực điện thoại báo lại đầy đủ và rõ ràng cho tổ cấp cứu gồm ba người do y sĩ Khánh phụ trách. Đến nơi, mọi người lao vào cấp cứu nạn nhân mà không màng những sự việc diễn ra chung quanh. Sau khi nạn nhân tỉnh táo, tổ cấp cứu ra về.
Tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, trong lúc ngồi ghi chép sổ sách, một nhân viên trong tổ cấp cứu của y sĩ Khánh cho biết vừa giặt sạch áo blouse. Y sĩ Khánh hỏi lý do giặt áo, nhân viên này cho biết để tránh lây nhiễm HIV từ phía nạn nhân vừa cấp cứu.
Y sĩ Khánh thốt lên: “Nạn nhân có HIV hả?”. Nam nhân viên trả lời: “Dạ, chị không biết sao? Mọi người trong tổ được thông báo rồi mà. Em phải mang cùng lúc hai găng tay đó”.
Định thần một lúc, y sĩ Khánh nhớ lại là có nghe lời thông báo trên. Tuy nhiên, khi đến nơi, thấy nạn nhân bất tỉnh, máu me ra nhiều, y sĩ Khánh tập trung cấp cứu nên quên hẳn lời thông báo nạn nhân đã có HIV.
Nhân viên 115 đang cấp cứu một bệnh nhân ngay tại nhà của họ. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Tôi chỉ mang một găng tay khi cấp cứu nạn nhân. Trong quá trình cấp cứu, bao tay bị rách ở ngón trỏ. Điều đáng nói ngón trỏ tôi cũng có vết xước nhỏ. Không biết có sao không đây?” - y sĩ Khánh lo lắng.
Có người trấn an, nói chắc không sao. Cũng có người lo lắng và khuyên y sĩ Khánh nên đến Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM hoặc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được tầm soát HIV.
Không chỉ y sĩ Khánh, một vài nhân viên cấp cứu 115 cũng rơi vào tình huống tương tự. Vì tính mạng bệnh nhân đang nguy kịch, họ lao vào công việc đến nỗi quên cả việc tự bảo vệ chính bản thân mình.
“Đơn thương độc mã” ngoài hiện trường
Không dừng ở đó, nhân viên 115 còn gặp biết bao rủi ro trong quá trình cấp cứu bệnh nhân. BS Khuất Hoàng Sơn chia sẻ: “Bệnh nhân, nhất là những người say rượu và thân nhân luôn càm ràm và to tiếng khi chúng tôi đến trễ. Trong suy nghĩ của họ, một khi gọi 115 thì nhân viên phải có mặt ngay. Họ đâu nghĩ có những tác động ngoại cảnh đã khiến cấp cứu 115 đến trễ như kẹt xe chẳng hạn”.
“Mặc họ chửi rủa, la mắng, chúng tôi âm thầm cấp cứu người bị nạn. Chúng tôi rất sợ bệnh nhân hoặc người nhà có những hành động quá khích. Nếu chuyện này xảy ra, nhân viên 115 phải chịu trận chứ không thể cầu cứu ai. Nhân viên y tế làm trong các bệnh viện khi bị bệnh nhân hoặc người nhà hành hung còn có lực lượng bảo vệ hỗ trợ; còn chúng tôi thì một thân một mình giữa hiện trường, xung quanh là người lạ, người nhà bệnh nhân, nếu có mệnh hệ nào thì biết kêu cứu ai đây!” - BS Sơn trải lòng.
Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM mới đây, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, bày tỏ: “Nhân viên cấp cứu 115 gặp nhiều thiệt thòi. Lương ít, cơ hội thăng tiến không có, lại dễ gặp nhiều rủi ro trong quá trình cấp cứu bệnh nhân tại hiện trường. Chỉ những người thực sự yêu nghề mới trụ được tới hôm nay”.
Theo BS Long, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM ngoài thu nhập cơ bản thì không còn nguồn nào khác. Người có mức lương thấp nhất mỗi tháng hơn 1,6 triệu đồng. Bác sĩ mỗi tháng chỉ 4-6 triệu đồng. Ngay cả mức lương giám đốc mỗi tháng cũng chỉ 8 triệu đồng.
“Do thu nhập quá thấp nên chẳng những khó tuyển dụng người mới mà nhân viên cũ cũng lần lượt xin nghỉ. Trong năm 2017, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM ghi nhận đã có 23 người nghỉ việc, trong đó có sáu bác sĩ, sáu điều dưỡng, một y sĩ, một kỹ thuật viên, ba lái xe và sáu bảo vệ…” - BS Long thông tin.
Tìm nguồn điều chỉnh thu nhập Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM báo cáo đầy đủ hơn về cơ chế tài chính và mức thu nhập của nhân viên, kể cả những đề nghị thu hút nguồn lực để lãnh đạo TP.HCM xem xét. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cần làm việc với Bộ Giáo dục, Bộ Y tế để cấp mã ngành đào tạo về cấp cứu nhằm phục vụ cho TP.HCM. Mỗi năm khoảng 50 chỉ tiêu. Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM |