Những hộ dân ở khu vực B12, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM) phản ánh tình trạng từ tháng 10-2016 đến nay, sáu tháng họ mới “được” đóng tiền nước một lần nhưng lại bị tính giá trên định mức một tháng. Số khối nước vượt định mức bị đội lên khiến người dân phải đóng tiền cao ngất ngưởng.
Không những thế, hiện tượng nước bẩn thường xuyên xảy ra sau mỗi lần cúp nước, người dân chủ yếu vẫn phải mua nước bình để nấu ăn.
Bất bình với giấy báo tiền nước
Theo phản ánh của người dân, họ mới nhận được giấy báo tiền nước từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2017 gom chung trong một phiếu. Chính vì thế, giá tiền nước vượt định mức bị đẩy lên quá cao. Cách làm này khiến lợi ích người dân bị ảnh hưởng vì không được đóng tiền với giá ưu đãi là 3.300 đồng/khối mà phải đóng với mức cao hơn là 5.200 đồng và 7.000 đồng.
Bức xúc về tình trạng này, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, số nhà B12/364 ấp 2, xã Đa Phước, cho biết: “Ngoài việc phải trả giá cao vô lý thì nước mà Trạm cấp nước Đa Phước I cung cấp chúng tôi chỉ dùng để tắm giặt, còn nước ăn uống vẫn phải mua nước bình từ quận 8 về sử dụng vì chất lượng nước hiện chưa đảm bảo”. Cùng khu vực, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Hoa có bốn nhân khẩu nhưng hiện chỉ có một nhân khẩu được hưởng giá nước ưu đãi.
Ngoài ra, một số hộ phản ánh mức tiêu thụ nước trong một tháng gần đây tăng đột biến. Đơn cử, giấy báo sáu tháng gia đình ông Hùng chỉ tiêu thụ 70 khối nước (tương ứng với 478.860 đồng) trong khi giấy báo của riêng tháng 4 lại lên tới 145 khối (tương ứng với 1.082.610 đồng).
Hộ bà Lê Kim Xuyến trong sáu tháng chỉ số tiêu thụ là 76 khối (tương ứng với 506.000 đồng) thì riêng tháng 4 tăng đột biến lên 153 khối (tương ứng với 1.125.850 đồng) (!).
Nhận thấy điều bất thường, người dân thắc mắc với nhân viên trạm cấp nước nhưng chưa được phản hồi chính thức.
Phản ánh tình trạng nước bẩn tái diễn nhiều lần, chị Đoàn Thị Diễm Lan, khu vực B12, cho biết đã phản ánh lên đường dây nóng của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Sau đó, Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn TP.HCM, đơn vị trực tiếp quản lý Trạm cấp nước Đa Phước I, đã liên lạc với chị Lan và hứa cho nhân viên xuống kiểm tra.
Bà Linh, vợ ông Hùng, phải xài thật tiết kiệm nước sau khi nhìn hóa đơn tiền nước sinh hoạt tháng 4 lên đến bạc triệu. Ảnh: ĐÀO TRANG
Trạm nước thừa nhận sai sót
Trước phản ánh của người dân xã Đa Phước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Anh Tuấn, quản lý Trạm cấp nước Đa Phước I.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân trạm thu gộp sáu tháng một lần trên giấy báo tiền nước là do trước đó, trong thời gian Công ty TNHH Đan Vỹ thi công trạm, các hộ dân khu vực Đa Phước đã được sử dụng nước từ tháng 10-2016 nhưng đơn vị thi công không gửi giấy báo hằng tháng, cũng không đến nhà dân chốt số nước. Ngay sau khi tiếp nhận vào tháng 2-2017, ban quản lý trạm mới gửi giấy báo và thu tiền được.
Ông Tuấn thừa nhận có sai sót trong việc thực hiện thu tiền nước như trên và cam kết sẽ giải thích lại cho người dân hiểu. Ông Tuấn cam kết trạm sẽ tính lại tiền nước cho từng hộ theo từng tháng (chứ không tính gộp một lúc sáu tháng nữa) để các hộ dân không bị thiệt thòi vì chỉ số nước vượt định mức dùng tăng quá nhiều.
Đối với chỉ số tiêu thụ tăng bất thường ở một số hộ, trạm cũng sẽ tiến hành kiểm tra để điều chỉnh cho người dân.
Về tình trạng nước bẩn, ông Tuấn cung cấp phiếu kết quả xét nghiệm do Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cấp. Kết quả kiểm định cho thấy nước cung cấp tại trạm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn khi sử dụng. Ông lý giải: “Hiện trạm đang trong quá trình xây dựng, mở rộng và đã gửi thông báo đến UBND xã Đa Phước để kịp thông tin tới người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khẩn cấp khi xảy ra tình trạng hư đường ống khiến nước bẩn, Trạm cấp nước Đa Phước I chưa thể báo trước cho phía người dân. Trước thực trạng nước bị ảnh hưởng sau mỗi lần sửa chữa, trạm đã đề nghị với Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn TP.HCM lắp van xả đáy để khắc phục”. |