Giờ chăm cây trong vườn, lại ngồi nhớ bác Sáu Khải

"Hồi đó về vườn cây còn um tùm, vợ chồng cô mới làm có một tuần. Nghe bác nói vậy thân thiết ghê con ha, hông run nữa. Giờ chăm cây, lau chùi bàn thờ lại ngồi nhớ Bác" - cô Oanh, người làm vườn nghẹn ngào kể về bác Sáu Khải. Lau dọn nhà thờ xong, cô ngồi lặng yên một góc: “Chuyện về bác Khải nhiều lắm con ơi! Trước chưa gặp bác, chưa bao giờ cô nghĩ Thủ tướng của một nước lại bình dị, gần gũi đến vậy!”

"Không nghĩ đó là lần cuối cùng gặp bác"

Không nghĩ đó là lần cuối cùng gặp bác...

Cô Oanh kể chuyện cô và chồng làm việc ở đây đã gần chục năm nay, từ hồi hai vợ chồng mái tóc còn xanh giờ đã ngả bạc. Những đứa con cô qua đây vẫn gọi bác Khải là ông ngoại. Chuyện mới như ngày hôm qua. “Chiều đó xe điện chở bác đi ngang đưa bác qua đình chơi, cô còn cúi đầu chào bác, bác gật đầu cười. Nhưng sau hôm đó, bác vào viện, qua Singapore, về bệnh viện Chợ Rẫy rồi bác mất. Cô không nghĩ đó là lần cuối cùng được gặp bác….”

Chiếc điện thoại nhỏ xíu cô Oanh còn lưu hai tấm ảnh được chụp cùng bác Sáu hôm sinh nhật của bác. “Có nhìn thấy hông con, hông phải điện thoại xịn nên mờ lắm. Tấm ảnh này chụp hơn ba năm rồi, hồi bác còn khỏe mạnh, đây là cô nè, đây là cô Ba Đơ, đây là cô Bảy Hiệp. Đây! Bác đó! Hồi đó đưa cái điện thoại này nhờ người ta chụp, giờ nhìn lại cũng kỳ ha. Bức ảnh chụp bằng máy ảnh xịn thì cô đã rửa phóng ra cất kỹ trong album ảnh rồi”. Nói rồi cô cúi đầu, mân mê chiếc điện thoại Nokia đời cũ nhỏ bằng mấy ngón tay bạc màu, trầy xước màn hình, bàn phím cũng đã mờ chữ.

"Lên ăn con, lên đây ăn cùng với bác!"

Nhà vợ chồng cô Oanh vẫn còn cái ấm nước bác Sáu Khải tặng gần chục năm về trước. Hồi đó vợ chồng cô mới về đây, còn thiếu thốn nhiều. Vườn cây của bác ngày ấy còn um tùm.

“Bữa đó, bác đội nón lá, mặc bộ Pyyama trắng, bác chống gậy ra vườn ngó chút cười bảo: Chà, có hai vợ chồng bay về mà dọn dẹp trống trải, sạch sẽ rồi he. Bác vẫn dặn: “Ở đây làm, có thiếu gì thì nói nghen con". Vậy mà, cũng đâu dám nói gì đâu” - cô Oanh kể lại.

Lối vào nhà bác Sáu Khải có lực lượng TNXP hỗ trợ dẫn đường.

Mấy bữa sau, bác qua tận nhà thăm, hai vợ chồng cô Oanh bất ngờ lắm. Bác thấy nhà không có ấm đun nước, bác nói người mua tặng hai vợ chồng cái ấm, là ấm nhôm, đun bếp củi. "Thấy nhà không có ti vi, bác nói dùng tạm cái tivi cũ của bác xem thời sự, xem phim, cái tivi Sony nhỏ nhỏ nhưng quý lắm. Là bác tự biết chứ không đợi mình hỏi. Sau này, bác tặng hai vợ chồng ti vi mới, cô chú vẫn dùng tới tận bây giờ” - cô kể.

Trong ký ức của những người giúp việc, bác Sáu Khải coi các cô các chú như con cháu trong nhà. “Ngày giỗ, Tết mọi người cùng vào mâm ăn cùng bác. Nhớ bữa đó, mấy người làm cỗ xong đang đứng xung quanh, bác vẫy tay cười bảo: “Lên ăn con, lên đây ăn với bác!”. Cô nghĩ bụng sao Thủ tướng mà bình dị, gần gũi vậy trời” - cô Oanh cười rơi nước mắt nhớ lại.

Những ngày Tết đến, bác cầm bao lì xì đưa tận tay từng người: “Nè, bác lì xì cho con nè”, “cái này của con”. Cô Oanh kể chuyện, ai mà chúc “Chúc bác vui vẻ, sống vui với con cháu” là bác thích lắm. “Nhưng năm nay, đâu còn bác nữa đâu…” 

"Học giỏi phải ráng mà học, tiền học con đừng lo!"

Người dân đăng ký và ngồi chờ đến lượt vào viếng bác Sáu Khải.

Theo lời kể của những người làm vườn, trong số những người giúp việc nhà bác có anh Nhí. Anh Nhí làm ở đây đã mười mấy năm rồi. Nhà anh Nhí nghèo, có cô con gái ngoan lắm, rất có chí và học giỏi. Nghe những người xung quanh kể chuyện, bác gọi anh Nhí bảo: "Con gái học giỏi thì phải ráng học, tiền học con đừng lo!". Rồi từ đó, Bác chu cấp tiền cho con gái anh Nhí ăn học cho đến khi thành tài. Giờ nghe đâu, cô gái nhỏ ngày nào đang làm việc tại BV Xuyên Á.

“Bác thích thăm vườn lắm, mỗi ngày 2-3 lần ra vườn: Lúc sáng sớm, rồi tầm 8-9 giờ bác chạy qua, chiều thì tầm 2 giờ,… Bác đội nón lá, mặc bộ pijama trắng, bác chống gậy ra vườn. Lâu rồi, bác phải đi chữa bệnh, không ghé thăm vườn cây, mọi người vẫn nhắc nhau: Chắc mai mốt đỡ, bác về. Ai dè…”. Nói đến đây, cô Oanh lặng lẽ cúi đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm