Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị Bộ GTVT sớm có biện pháp giải quyết triệt để những diễn biến phức tạp, gây bức xúc tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Theo đó, Bộ GTVT cho rằng dự án BOT Cai Lậy (gồm tăng cường mặt đường quốc lộ 1 và xây mới tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy) đã hoàn thành và bắt đầu thu phí từ ngày 1-8-2017. Tuy nhiên, một số tài xế có phản ứng dẫn đến mất an ninh trật tự, nên nhà đầu tư tạm dừng thu phí từ ngày 14-8-2017.
Ngoài trạm thu phí hiện hữu, nhà đầu tư sẽ xây dựng thêm một trạm ở tuyến tránh. Dự kiến hai trạm sẽ thu phí ở mức khác nhau và trạm nào hoàn vốn trước sẽ dỡ bỏ. Ảnh: CHÂU ANH
Sau khi dừng hoạt động, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, thống nhất phương án xử lý miễn, giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50%-100% cho các phương tiện thuộc bốn xã lân cận), đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thu trở lại.
Ngày 30-11-2017, trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại nhưng tiếp tục có diễn biến phức tạp, mất an ninh trật tự. Do vậy, Bộ GTVT báo cáo và tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4-12-2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng để nghiên cứu phương án xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT tổ chức rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai dự án. "Kết quả, dự án được triển khai cơ bản đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định pháp luật. Từ chủ trương của Chính phủ, thống nhất của địa phương đến khoảng cách và vị trí đặt trạm thu phí..." - Bộ GTVT cho hay.
Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận thấy tồn tại, bất cập là công tác tuyên truyền để người dân hiểu về dự án, về hình thức đầu tư BOT chưa được tốt, chưa phù hợp thực tiễn. Các quy định pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT cũng còn bất cập. Quy định pháp luật về thu phí theo lượt (không theo km) không đảm bảo công bằng tuyệt đối cho tất cả người sử dụng dịch vụ…
Trên cơ sở kết quả rà soát, tính toán, Bộ GTVT xây dựng năm phương án xử lý bất cập. Trong đó, phương án Nhà nước mua lại dự án là giải pháp xử lý triệt để nhất, các phương án còn lại là tiếp tục tổ chức thu phí hoàn vốn dự án, có thực hiện giảm giá vé chung cho các phương tiện và miễn, giảm giá cho chủ phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí Cai Lậy.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, rất khó để thực hiện việc mua lại dự án. Vì vậy, Bộ GTVT báo cáo kiến nghị phương án tiếp tục thu phí hoàn vốn dự án. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của dự án, việc lựa chọn phương án cần cân nhắc cẩn trọng.
Để có cơ sở quyết định phương án tối ưu theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT tổ chức họp với tỉnh Tiền Giang, các bộ Công an, KH&ĐT, Tài chính, TT&TT để báo cáo Thủ tướng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc giao bộ trưởng Bộ GTVT quyết định phương án thu phí cuối cùng, Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cùng nhà đầu tư nghiên cứu các phương án. "Dự kiến giữa năm 2020, trạm Cai Lậy sẽ thu phí trở lại..." - Bộ GTVT thông tin.
Xây thêm một trạm thu phí ở Cai Lậy Ngày 25-2, thông tin báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay cơ quan này và các đơn vị có liên quan thống nhất chọn phương án đầu tư thêm trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thực hiện hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy. Như vậy, dự án BOT Cai Lậy sẽ có hai trạm thu phí. Một trạm thu phí cho tuyến tránh và một trạm thu phí trên tuyến quốc lộ. Với phương án thu phí như vậy, trạm thu phí nào hoàn vốn xong sẽ tiến hành dỡ bỏ. Dự kiến trạm trên quốc lộ 1 sẽ thu phí 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư ở mỗi trạm khoảng 11 năm. |