Gỡ khó trong xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng

Chiều 5-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP, dẫn đầu có buổi làm việc với UBND quận Thủ Đức về tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn quận.

Ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị quận Thủ Đức, cho biết sau bảy tháng thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy về công tác quản lý trật tự xây dựng, số vụ vi phạm trên địa bàn được kéo giảm. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức Luật Xử lý VPHC liên quan đến lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn thứ nhất là trong việc cưỡng chế quyết định VPHC. Theo đó, trước khi xử phạt phải kiểm tra, xác minh thông tin của người vi phạm theo thứ tự ưu tiên tiền lương, thu nhập, tài khoản cá nhân... Tuy nhiên, ngay từ bước xác minh về lương, thu nhập thì UBND quận có rất ít thông tin, còn việc xác minh tài khoản thì nhiều tổ chức tín dụng thường từ chối cung cấp…

Ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý  trật tự xây dựng. Ảnh: THANH TUYỀN

Thứ hai, trường hợp người vi phạm cố tình cản trở lực lượng chức năng như khóa cửa, không cho cơ quan chức năng vào công trình kiểm tra thì không thể ban hành các quyết định xử lý VPHC được.

Về kinh phí tổ chức cưỡng chế, ông Nghĩa cho biết đa phần là không thu lại được số tiền đã bỏ ra để thực hiện việc cưỡng chế. “Khi cưỡng chế thì chủ đầu tư không có mặt, phường phải bỏ tiền của Nhà nước ra làm. Sở Tư pháp cũng có hướng dẫn chúng tôi trong trường hợp này có thể ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả nhưng đến nay vẫn chưa thu được số tiền nào” - ông Nghĩa nói.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, ông Lê Minh Đức, cũng bày tỏ băn khoăn về việc không thể thu hồi được nguồn kinh phí tổ chức cưỡng chế. “Chúng ta thực hiện cưỡng chế nhiều nhưng kinh phí Nhà nước bỏ ra không thu hồi lại được, đó là một trong những vấn đề cũng đau đầu” - ông nói.

Ông Đức cũng nói thêm là hiện nay các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử phạt trật tự xây dựng. Người đứng ra tổ chức xây dựng thường không ra mặt mà thuê nhân công đến để xây dựng trái phép. Khi lực lượng chức năng đến lập biên bản thì không có người để lập biên bản nên phải về nghiên cứu, tìm người. Ngoài ra, ông còn đề cập đến việc địa phương gặp khó nếu không xác định được người VPHC trong lĩnh vực trật tự xây dựng.

Ông Đức cũng nêu quan điểm đối với việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Theo đó, việc xử phạt phải đơn giản hóa các thủ tục để khi lực lượng kiểm tra phát hiện hành vi sai phạm, nếu không xác định được chủ thì vẫn có quyền cưỡng chế liền chứ không để dai dẳng kéo dài. “Khi để dai dẳng kéo dài thì vụ việc càng ngày càng phức tạp, họ có thể xây thêm” - ông Đức nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm