Gỡ nút thắt về định giá đất sẽ giải quyết hài hòa lợi ích của các bên

(PLO)- PGS.TS Phan Trung Hiền nói về vấn đề lợi ích cân bằng trong định giá đất giữa các bên liên quan tại Hội thảo hoàn thiện pháp luật kinh tế Việt Nam trong xu thế phát triển bền vững, từ lý thuyết đến thực tiễn.

Ngày 25-10, Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo hoàn thiện pháp luật kinh tế Việt Nam trong xu thế phát triển bền vững, từ lý thuyết đến thực tiễn.

PGS.TS Phan Trung Hiền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Tại hội thảo, PGS.TS Phan Trung Hiền –Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ đã có bài tham luận về định giá đất theo nguyên tắc thị trường – lý thuyết và dự báo xu hướng phát triển.

Trong đó, nói về lợi ích cân bằng trong định giá đất giữa các bên liên quan, PGS.TS Phan Trung Hiền cho rằng, thực tế do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến diện tích thu hồi đất chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp rất lớn nên nhiều người dân, trong đó có nông dân mất đất.

Theo ông, giá đất của chúng ta lâu nay không theo giá thị trường, các chuyên gia nhận định nó chỉ khoảng 30-40% giá thị trường. Chính vì lẽ đó mà các vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai liên quan thu hồi đất, tái định cư rất lớn.

Cạnh đó, việc này cũng ảnh hưởng tới rất nhiều yếu tố, như người dân không chịu giao đất, gây ra các bức xúc xã hội; các dự án mà chỉ giải phóng được “da beo” thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và chủ đầu tư; các tỉnh, thành ngán ngại việc giải phóng mặt bằng nên việc kêu gọi thu hút đầu tư khó khăn khi không có đất sạch và ảnh hưởng việc quản lý nhà nước vì các chỉ tiêu không đạt được, các dự án không được thực hiện. Như vậy rõ ràng giá đất ảnh hưởng đến các vấn đề.

“Phát triển bền vững là phát triển cho hiện tại mà vẫn đảm bảo lợi ích lâu dài cho tương lai, không chỉ bảo đảm về một chủ thể nào mà bảo đảm trong sự bền vững đó nó có sự hài hòa lợi ích của tất cả các bên” - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ nêu vấn đề.

Ông cho rằng, hiện nay chúng ta đang cố gắng cập nhật giá đất theo giá thị trường để có chính sách một giá, khi đó việc bồi thường sẽ tăng cao lên. Các chính sách bồi thường, người dân không chỉ nhận đất mà anh có đất lúa, đất vườn vẫn có thể đổi đất ở nếu dự án cho phép.

Như vậy, bằng nhiều cách, nhiều kênh khác nhau, chúng ta đang mong muốn đảm bảo lợi ích tốt hơn cho người sử dụng đất khi có đất bị thu hồi. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề mất trật tự xã hội, khiếu nại, khiếu kiện chắc chắn sẽ giảm. Chủ đầu tư sẽ thực hiện được dự án nhanh chóng hơn. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ đạt được các mục tiêu về kinh tế xã hội nhanh chóng hơn. Tất cả các bên đều thực hiện tốt hơn, đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Đó chính là nút thắt mà nếu chúng ta gỡ được thì sẽ phục vụ cho việc phát triển bền vững của địa phương và cho cả nước” – PGS.TS Hiền lý giải.

Thảo luận ba chủ đề về pháp luật thương mại, tài chính và đất đai

Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận và đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh ba chủ đề. Pháp luật thương mại (tập trung vào việc làm thế nào để hệ thống pháp luật thương mại có thể thích ứng và hỗ trợ phát triển bền vững); Pháp luật tài chính (các chuyên gia sẽ xem xét hệ thống pháp luật tài chính nhằm đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội); Pháp luật đất đai (thảo luận về quản lý tài nguyên đất đai và bảo vệ môi trường trong bối cảnh phát triển bền vững).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới