Gói bột nêm mì ăn liền nhỏ nhưng gây hại lớn

“Hiện nhiều người có thói quen dùng mì ăn liền và sử dụng hết gói bột nêm đi kèm. Tuy nhiên, gói bột nêm chứa rất nhiều muối. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy cơ thể dung nạp nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ” - bác sĩ (BS) Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khuyến cáo.

Tử vong vì ăn quá mặn

Tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 TP.HCM, một bệnh nhân nữ độ 55 tuổi (ở TP.HCM) nhập viện trong tình trạng bị đột quỵ (xuất huyết não) và tử vong sau đó vài giờ.

Sau khi khai thác bệnh sử từ phía người nhà, các BS được biết bệnh nhân nói trên thường xuyên dùng mì ăn liền. Thậm chí có ngày người này ăn tới hai gói. Bà cũng luôn sử dụng hết gói bột nêm đi kèm. BS cấp cứu cho biết do ăn quá mặn và liên tục nên bệnh nhân bị cao huyết áp. Đây chính là nguyên do gây ra tình trạng đột quỵ.

Sau đó không lâu, một bệnh nhân nam độ 50 tuổi (ở Long An) cũng được đưa vào khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 và đã tử vong do xuất huyết não.

Người thân cho biết bệnh nhân sống một mình nên luôn dùng mì gói cho tiện. Và ông cũng luôn sử dụng hết gói bột nêm đi kèm. Thời gian sau ông có biểu hiện cao huyết áp.

Cũng mới đây, ông VVT (52 tuổi, ở TP.HCM) thường rơi vào trạng thái choáng váng, nhức đầu. Ngoài ra, ông T. còn bị đau ngực, hồi hộp, đỏ mặt… nên đến BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM).

Sau khi khám, BS khẳng định ông T. bị cao huyết áp ở giai đoạn khá nặng. Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm thì có thể gây phình động mạch chủ, thậm chí có thể bị vỡ, gây chảy máu và tử vong.

Ông T. cho biết ông là nhân viên văn phòng của một công ty kinh doanh. Do nhà xa, đi làm sớm nên ông T. thường ăn sáng bằng mì gói tại nơi làm việc và luôn dùng hết gói bột nêm. Ngày này qua ngày khác, ông T. bị cao huyết áp lúc nào không hay.

Một bệnh nhân bị đột quỵ phải cấp cứu do ăn quá mặn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sử dụng muối gấp đôi theo khuyến cáo

Để có kết luận chính thức về tác hại của việc ăn nhiều muối, nhóm khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Kiến thức, thái độ của người dân TP.HCM về muối, tần suất sử dụng mì ăn liền và lượng muối trong sản phẩm” trong năm 2017. Nhóm khảo sát gồm các BS Vũ Quỳnh Hoa, Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phạm Ngọc Oanh, Tạ Thị Lan, Trần Quốc Cường và cộng sự đã thực hiện khảo sát trên 487 người hiện sinh sống ở TP.HCM.

BS Vũ Quỳnh Hoa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo muối trong khẩu phần ăn của người trưởng thành là dưới 5 g/ngày.

“Tuy nhiên, tại Việt Nam, khảo sát cho thấy trung bình người trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối/ngày. Trong đó, nam là 10,5 g và nữ là 8,3 g. Có thể thấy phần lớn người Việt Nam tiêu thụ quá nhiều muối, gấp hai lần so với khuyến cáo của WHO” - BS Hoa trình bày.

Theo BS Hoa, ngoài muối được cho vào thức ăn trong quá trình nấu nướng, muối còn có trong thực phẩm chế biến sẵn mà điển hình là mì ăn liền.

“Lượng muối trung bình trong mỗi gói bột nêm đi kèm mì ăn liền là 4,3 g, gần tương đương nhu cầu khuyến nghị lượng muối mỗi ngày của người trưởng thành (5 g). Thế nhưng khi sử dụng mì ăn liền, chỉ có gần 39% người dùng không sử dụng hết gói bột nêm đi kèm. Còn lại hơn 61% sử dụng hết gói bột nêm. Điều này chứng tỏ đa số người dùng có thói quen ăn mặn, ngoài ăn mì gói trong ngày còn phải ăn thực phẩm khác có chứa muối. Do vậy lượng muối dung nạp trong người quá cao là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý” - BS Hoa nói.

“Ăn quá nhiều muối sẽ không tốt cho cơ thể. Thế nhưng không ít người trong nhóm nghiên cứu chưa có kiến thức đúng về tác hại của việc sử dụng nhiều muối” - BS Hoa lo ngại.

Bước đầu Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM phối hợp với ba công ty lớn tại TP.HCM sản xuất thử nghiệm thực phẩm chế biến sẵn giảm muối, bao gồm mì ăn liền, cháo ăn liền và xúc xích. Các sản phẩm được giảm từ 21% đến gần 34% lượng sodium (thành phần chính tạo nên muối) so với thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm