Gói hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa nếu...

(PLO)- Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ vẫn còn chậm, nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ này.

Về kết quả triển khai, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỉ đồng.

Qua số liệu có thể thấy, sau 3 tháng triển khai Nghị định có rất ít hồ sơ được phê duyệt. Còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp xin vay tiền từ ngân hàng theo gói hỗ trợ lãi suất.

Trước hết, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi vay.

Khi các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực cho vay an toàn thì các DN nhỏ và vừa, yếu kém gặp khó khăn do đại dịch, không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế MSB cho rằng: Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay. Về phía người cho vay, nhiều NHTM cũng gặp khó khi các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, nếu không, ngân hàng sẽ phải chịu gánh nặng nợ này.

Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được sử dụng tới 9,36%, trong khi đó tổng hạn mức tín dụng của cả năm nay chỉ là 14%. Việc room tín dụng còn ít cũng khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) phải cân nhắc đối tượng cho vay là điều hợp lý.

Một nguyên nhân nữa khiến gói vay ưu đãi này chậm triển khai là do thủ tục quyết toán 2% lãi suất cũng rất phức tạp.

Ví dụ đến nay vẫn có ngân hàng không quyết toán được khoản hỗ trợ lãi suất 4% trong giai đoạn kích cầu năm 2009. Đây cũng là rào cản khiến các NHTM thêm thận trọng khi xem xét cho vay.

Về việc tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này, các bên liên quan và chuyên gia cũng có những ý kiến trái chiều. Một mặt, về phía người vay, các doanh nghiệp cho rằng nên có những chính sách nới lỏng các điều kiện cho vay trong gói hỗ trợ lãi suất 2% để DN đang còn gặp vướng mắc có thể tiếp cận được với gói hỗ trợ này trong thời gian tới, cụ thể như điều kiện thế chấp tài sản, hoặc có thể cho doanh nghiệp chứng minh bằng hợp đồng sản xuất - xuất khẩu…

Ngoài ra, điều DN cần nhất hiện nay là mong Chính phủ có chính sách giãn, cơ cấu lại nợ, gia hạn thêm thời gian trả nợ quá hạn, giúp DN không tăng nhóm nợ, nhờ đó giúp DN có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng khi thiếu vốn.

Ở hướng ngược lại, các NHTM đều cho rằng không thể vì để hỗ trợ doanh nghiệp mà cấp tín dụng tràn lan. Thực tế vẫn phải chú trọng đến hiệu quả đề án vay vốn, khả năng trả nợ của DN.

Về phía các chuyên gia, họ đều thống nhất với chỉ thị của NHNN về việc không thể nới điều kiện cho vay.

Việc cho vay phải dựa trên điều kiện tín dụng chặt chẽ vì đây là khoản vay có rủi ro, có thể nói là cao hơn các khoản vay cho DN có sức khỏe tốt. Đồng thời, đây không chỉ là rủi ro ở ngân hàng cho vay mà của cả hệ thống ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm