Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trên các diễn đàn khác nhau. Dự thảo đã quy định nhiều điểm mới, trong đó quyền tiếp cận thông tin (TCTT) đất đai được nhiều người dân quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần cung cấp thông tin để làm rõ việc thu hồi đất thực hiện dự án Sông Lô. Do bị từ chối, ông Bình buộc phải kiện hành chính yêu cầu tòa tuyên buộc UBND tỉnh phải cung cấp thông tin cho ông theo luật định Ảnh: TẤN LỘC |
Công dân được tiếp cận thông tin nào?
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung một mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, trong đó các thông tin đất đai công dân được quyền tiếp cận được quy định tại Điều 33.
Cụ thể, Điều 33 dự thảo quy định:
“Công dân được quyền tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
1. Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
2. Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
3. Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
4. Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin.”
Đánh giá về quy định này, ThS Ngô Gia Hoàng (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng cần mở rộng chủ thể có quyền TCTT đất đai.
Theo ThS Hoàng, dự thảo quy định quyền TCTT đất đai là quyền của công dân, tức là những người có quốc tịch Việt Nam. Cách quy định này có phần giống với quy định của Luật TCTT 2016. Có thể hiểu, chỉ có công dân mang quốc tịch Việt Nam mới có đầy đủ quyền TCTT, còn người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam).... thì không. Quy định này đã hạn chế quyền TCTT đất đai của các chủ thể khác.
Trong khi đó, các thông tin đất đai không chỉ có ý nghĩa đối với công dân Việt Nam mà còn có ý nghĩa với các chủ thể khác đang cư trú và có tham gia quan hệ sử dụng đất tại Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc khẳng định quyền TCTT đất đai là quyền của công dân thì dự thảo nên quy định thêm quyền TCTT đất đai của các chủ thể khác.
Cạnh đó, theo ThS Hoàng, quy định theo hướng liệt kê “đóng” các thông tin mà công dân có quyền tiếp cận như dự thảo là chưa phù hợp với nguyên tắc của pháp luật về TCTT.
Luật TCTT 2016 quy định công dân được TCTT của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận tại Điều 6 và thông tin được tiếp cận có điều kiện tại Điều 7 Luật này.
Quy định này thể hiện nguyên tắc của Luật TCTT là không liệt kê các loại thông tin được tiếp cận mà chỉ liệt kê các trường hợp không được tiếp cận và tiếp cận có điều kiện. Mặt khác, việc quy định theo hướng liệt kê các thông tin như dự thảo có thể thiếu sót, gây khó khăn cho người dân nếu như họ muốn tiếp cận những thông tin không được quy định trong Luật. Do đó, theo ThS Hoàng nên quy định theo hướng công dân có quyền TCTT đất đai, ngoài trừ các thông tin mà pháp luật quy định không được tiếp cận.
Cạnh đó, theo ThS Hoàng, Điều 26 dự thảo đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai. Tuy nhiên, theo ThS Hoàng, cần làm rõ quy định không được cung cấp là những thông tin nào.
Theo khoản 2 Điều 26 dự thảo thì những thông tin thuộc bí mật nhà nước là những thông tin không được công bố. Khoản 1 Điều 6 Luật TCTT 2016 thông tin thuộc bí mật nhà nước bao gồm: những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Quy định này chỉ quy định về đặc điểm của các thông tin được cho là thuộc bí mật Nhà nước, khá chung chung.
Do đó, theo ThS Hoàng để tránh trường hợp các cơ quan có thẩm quyền lợi dụng quy định này để từ chối cung cấp thông tin thì cần làm rõ nội hàm những thông tin thuộc bí mật Nhà nước.
Mặt khác, có những thông tin tuy không phải là thông tin thuộc bí mật Nhà nước nhưng nếu cung cấp có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chủ thể liên quan khác.
Khoản 2 Điều 6 Luật TCTT 2016 cũng quy định rõ “Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ cũng là những thông tin công dân không được tiếp cận.
Do đó, theo ThS Hoàng nên bổ sung khoản 2 Điều 26 Dự thảo: "... trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật và những thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chủ thể liên quan khác”.
Kiện vì không được cung cấp thông tin
Liên quan đến quyền tiếp cận thông tin đất đai, ông Nguyễn Văn Bình (ở tỉnh Khánh Hòa) đã kiện UBND tỉnh này ra tòa vì bị từ chối cung cấp thông tin về hồ sơ pháp lý dự án mà công dân này có đất bị thu hồi.
Đây có lẽ là vụ kiện hành chính đầu tiên được người dân tiến hành để buộc cơ quan nhà nước đảm bảo quyền được TCTT của mình theo luật định.
Hôm nay bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
03/01/2023
(PLO)- Theo Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ 3-1 và sẽ kết thúc vào ngày 15-3-2023.