GS, PGS: Danh vị phải thực chất!

“Thực chất giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là một danh dự mà những người có thành tựu đạt được. Còn hiện nay, đôi khi GS, PGS là những thứ mà người ta cố gắng đạt được để có danh dự. Những GS, PGS hồi xưa không chỉ có thành tựu, danh tiếng về chuyên môn mà tư cách, đạo đức và ảnh hưởng xã hội của họ cũng rất lớn” - TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Háo danh và sự cảnh tỉnh về giá trị

. Phóng viên: Thưa ông, nhưng rõ ràng là hiện nay, sau vụ việc 94 hồ sơ GS, PGS bị gác lại và Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét, dường như cái danh giá của GS, PGS đã bị “xuống”?

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cái gì nhiều cũng xuống giá, nhiều thì không còn quý nữa. Đó là quy luật khách quan.

GS, PGS trước đây rất hiếm, thành thử những GS, PGS thời đó còn là một biểu tượng trên nền tảng trung thực về học thuật, đạo đức và ảnh hưởng xã hội. Chúng ta có thể kể đến những vị như Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu…

Thứ nữa, thực tế là xã hội đang băn khoăn về chất lượng GS, PGS. Chất lượng GS, PGS có thể phụ thuộc một phần ở quy trình tuyển chọn, bỏ phiếu… của các hội đồng. Nhưng sự đánh giá của xã hội thì không phụ thuộc vào những quy trình này.

Rất tiếc, không phải mọi GS, PGS đều đạt được điều người ta mong đợi. Nhiều khi các vị ấy đã không để lại được ấn tượng rằng họ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình.

. Tức là dù sao đi nữa thì công chúng vẫn có kỳ vọng về giới trí thức, nhất là những người được công nhận là GS, PGS?

+ Thực tế là giữa mong đợi của xã hội đối với GS, PGS là cao hơn so với những gì mà một số vị thể hiện khi xuất hiện trước công chúng.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng: Đã có những “xì xầm” trong giới học thuật về thông tin một số ít người đã “chạy” để có được danh vị PGS, GS. Thực tế thì công luận vẫn tin có thể có chuyện “chạy” vì “động lực” của việc “chạy” là vẫn có…

Cuối cùng, thực tế không thể phủ nhận là có một số rất ít người nữa háo danh. Tuy không hẳn là điều phổ biến nhưng hệ quả của nó là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và xã hội thấy đó là điều phản cảm.

Phải có sự trung thực dẫn dắt tối đa

. Chắc ông từng biết tới thống kê rằng: Việt Nam có số lượng GS, PGS, tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á nhưng số lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín thì tỉ lệ nghịch. Và cũng có nghĩa là người Việt đóng góp cho nhân loại là rất ít.

+ Thực chất đóng góp của người Việt, những nhà nghiên cứu Việt cho nhân loại không phải là nhỏ bé. Thời xưa, ngay cả việc thiết kế Tử Cấm Thành triều Minh cũng được cho là của một người Việt. Hay sáng chế ra máy ATM mà cả thế giới sử dụng cũng là người Việt. Chúng ta có thể kể đến những Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân, Ngô Bảo Châu, Vũ Quang Việt… và rất nhiều những nhà khoa học, kinh tế gốc Việt ở nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia trên thế giới.

Chúng ta cần đặt ra câu hỏi về vấn đề này. Các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từng chỉ ra nhiều nguyên nhân kìm hãm những sáng tạo, đóng góp ấy mà điển hình là “chủ nghĩa thành tích”.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng những đóng góp thực tế của người Việt trên thế giới và việc công luận, Thủ tướng đặt ra vấn đề với việc công nhận GS, PGS năm nay chính là một dịp rất tốt để chúng ta phấn đấu thêm một bước xây dựng một nền tảng trung thực.

Bởi khi đó, trong khoa học cũng như các lĩnh vực khác, nhân tài mới phát huy hết tài năng, phẩm chất của mình. Mà trong khoa học thì dứt khoát phải có sự trung thực tối đa dẫn dắt.

. Vậy chúng ta nên bắt đầu như thế nào để nhất là trong lĩnh vực khoa học, sự trung thực trở thành nền tảng cơ bản dẫn dắt xã hội?

+ Có lẽ nên nhìn ra thế giới, xem người ta làm thế nào trước tiên. Các trường muốn danh tiếng, thu hút được sinh viên thì phải có đội ngũ GS thực tài, tức là các trường có sức ép thật.

Danh tiếng của các đại học (ĐH) được xây dựng trên uy tín của các GS giỏi. Còn các GS giỏi là do các ĐH công nhận và bổ nhiệm chặt chẽ dựa vào thực tài và đạo đức, nhân cách.

. Nhưng ông nói rằng tất cả phải dựa trên sự trung thực. Vậy sự trung thực này bắt đầu từ đâu? Những quy định, quy chuẩn nào cần phải bỏ đi để khuyến khích sự trung thực?

+ Trung thực có lẽ nên bắt đầu từ chính bản thân những vị trí thức, khoa bảng. Cần phải khuyến khích nhận thức rằng: Nếu không đủ trình độ, uy tín thì không cần phải cố gắng đạt được PGS, GS.

Nhưng đồng thời cũng cần cắt giảm những quy định cơ học tạo ra một sức ép giả tạo về nhu cầu GS, PGS. Chẳng hạn như quy định phải có bao nhiêu PGS, GS thì mới được mở trường ĐH, mở khoa chuyên môn… Những quy định dạng này khiến nhiều trường, nhiều khoa phải đi “mượn” PGS, GS ở những nơi khác và thực tế việc “lạm phát” PGS, GS cũng một phần vì những quy định như vậy.

Lạm phát GS, PGS gây nên “thật giả lẫn lộn”

. Ở ta, như ông biết, PGS, GS là một danh hiệu suốt đời. Đây có phải là sức hút mãnh liệt không?

+ Đó gần như là một cái tước hiệu. PGS, GS là kiểu chức kết hợp với tước. Thành thử khi được gọi là GS, PGS thì đó cũng là một trong những danh vị mà xã hội trọng vọng theo truyền thống. Cái tước đối với những người có địa vị là quan trọng, là thứ vô cùng hấp dẫn.

. Tôi muốn ông bày tỏ nhận định về tình trạng “lạm phát” PGS, GS hiện nay.

+ Quả thực, cái gì cũng là con dao hai lưỡi. Khi lạm phát PGS, GS, người ta có thể nói vui rằng: “Tuy anh X là GS nhưng cũng có hiểu biết”!… Sự lạm phát cũng có thể gây ra tình trạng “thật giả lẫn lộn”. Và khi một thứ rất nghiêm túc trở thành hàng giả thì chỉ còn lại là sự mỉa mai của công chúng mà thôi.

Nhưng thật ra nếu tất cả đều được xây dựng trên sự trung thực thì nhiều hay ít GS, PGS không phải là vấn đề. Nếu ít GS, PGS mà không xây dựng trên sự trung thực thì cũng là vấn đề. Thực tế cho đến nay, như chúng ta biết, nhiều làng, xã hiện nay vẫn tự hào có nhiều trạng nguyên, tiến sĩ. Bởi ngày xưa, nếu có gian lận trong thi cử là người gian lận có thể bị chém đầu ngay.

Sự nghiêm túc và trung thực ấy chính là nền tảng đạo đức để có thể tự hào về những danh vị đích thực.

. Xin cám ơn ông.

Chức danh GS/PGS đừng nên là ‘suốt đời’

GS, PGS: Danh vị phải thực chất! ảnh 2
TS LÊ TRƯỜNG TÙNG

Xã hội đã phản ứng về chất lượng GS/PGS. Và khi rà soát lại thì đúng là có vấn đề. Một số tên tuổi đã được nêu lên, một số hồ sơ đã được gác lại để xem xét… Nhiều ý kiến đều thống nhất phải thay đổi quan điểm về GS/PGS, xem lại quy trình, quy định về công nhận và bổ nhiệm các chức danh này.

Dĩ nhiên, trước đây cũng có sai sót và nhiều người có thể nói đã được công nhận và bổ nhiệm “đúng quy trình”. Tuy vậy, nếu vẫn còn nhiều vấn đề và hệ quả kéo theo cho đến tận hôm nay thì rõ ràng là quy trình ấy thực sự “có vấn đề”. Bởi thế, điều quan trọng hiện nay không phải là lôi ra danh tính cụ thể những GS/PGS không đạt nữa mà phải thay đổi lại nội hàm, cách thức, quy trình công nhận và bổ nhiệm GS/PGS.

Những thay đổi lớn về vấn đề công nhận và bổ nhiệm GS/PGS chắc chắn phải có. Chẳng hạn như vấn đề “nhiệm kỳ”, cũng như những tiêu chí để một người vẫn có thể tiếp tục giữ và được bổ nhiệm GS/PGS. Giả sử nhiệm kỳ một GS là ba năm thì sau ba năm, GS đó sẽ được xem xét lại.

Tất cả GS/PGS hiện nay đều phải xem xét lại. Nếu đạt tiêu chí thì tiếp tục được bổ nhiệm. Còn nếu không thì người ta chỉ nói “GS từ 2015 đến 2018” chẳng hạn. Sau này có ai nói “tôi là GS ở ĐH Bách khoa từ 2017 đến 2020” cũng không sao…

GS của các trường nước ngoài cũng vậy. Chẳng hạn, để tiếp tục được ký hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu thì mỗi GS phải công bố được bao nhiêu bài báo, nghiên cứu, hướng dẫn được bao nhiêu nghiên cứu sinh… Mà nếu không được ký tiếp cũng không sao, vì người ta vẫn có thể xưng là GS của trường X trong giai đoạn cụ thể.

GS/PGS ở Việt Nam hiện nó như là một chức danh cấp quốc gia, một chức danh suốt đời nên GS/PGS ở ta mới bị “méo mó” đi. Bởi thế, việc công nhận và bổ nhiệm GS/PGS nên để cho các cơ sở giáo dục đại học đảm trách, chứ không phải Hội đồng Chức danh GS nhà nước như hiện nay.

TS LÊ TRƯỜNG TÙNGthành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực 2016-2021

Phải ‘hậu kiểm’ thực chất hồ sơ ứng viên

GS, PGS: Danh vị phải thực chất! ảnh 3
TS LÊ HỒNG SƠN

Vấn đề cần kíp tới đây là phải làm một cách thực chất việc rà soát hồ sơ các ứng viên chức danh GS/PGS năm 2017 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Theo đó, tôi cho rằng phải rà soát từng hồ sơ, từng giấy tờ, từng tiêu chí một xem nội dung phản ánh thiếu chuẩn là đúng không. Đặc biệt là các xác nhận tiêu chí giờ giảng, công trình, việc tham gia đào tạo... Bởi căn cốt ở đây là “hậu kiểm” hồ sơ, từng chứng chỉ, tài liệu trong hồ sơ ứng viên là đúng thực chất hay chỉ làm khống.

Nhất là với vấn đề ngoại ngữ, quy định hiện hành là các GS/PGS phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Nhưng thực tế các GS, đặc biệt là các PGS hiện nay, trừ những người được đào tạo dài hạn ở nước ngoài, mới về nước trong thời gian 5-7 năm trở lại đây, còn phần lớn những người ở trong nước đều không sử dụng được ngoại ngữ để nghiên cứu, thảo luận và làm khoa học thông qua ngoại ngữ.

Mặt khác, phải yêu cầu các hội đồng làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Nếu không cần, phải xem lại ngay chất lượng của các hội đồng và cách thức làm việc của họ có thực chất không. Nếu các hội đồng này không thực hiện trách nhiệm của mình một cách thực chất thì phải thay hội đồng, đưa vào những người hành xử thực chất có trách nhiệm, có tâm huyết.

Hướng thứ hai, nếu cần, Thủ tướng có thể thành lập một cơ cấu độc lập bên cạnh hội đồng để “hậu kiểm” hệ thống hồ sơ này nhằm “lật tẩy” những hồ sơ khống, gian dối.

Chúng ta cần tập trung chấn chỉnh lực lượng “nguyên khí quốc gia” hay còn gọi là “tinh hoa trí tuệ” của đất nước, coi đây là bước đột phá mới. Qua đó chấm dứt nạn hình thức, tiêu cực, thậm chí có thể có cả tham nhũng trong vấn đề này.

TS LÊ HỒNG SƠN, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

Đừng theo đuổi danh mà quên đóng góp

GS, PGS: Danh vị phải thực chất! ảnh 4
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Bất cứ một danh hiệu gì thì cũng phải có đóng góp thực chất và khi theo đuổi đóng góp ấy thì tất sẽ có danh. Điều này tốt hơn là cứ theo đuổi một cái danh để rồi không có đóng góp gì. Đạt được danh hiệu vì những đóng góp thực sự thì đó là những cái danh đích thực, không cần phải đi xin ai. Tất nhiên, việc thẩm định những đóng góp để xác định danh là cũng cần thiết nhưng nó cần tiêu chí rõ ràng, chứ cũng không nhất thiết là phải hồ sơ, đơn xin.

Mặt khác, có những quyền lợi lại gắn liền một cách cơ hữu với các chức danh GS/PGS. Chẳng hạn như được tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian công tác, tăng bậc lương, làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu, được ngồi các hội đồng… những quyền lợi liên quan này lại “theo luật định” chứ không phải theo thị trường. Lẽ ra sự đóng góp của các cá nhân đều phải theo thị trường.

Giả sử một cá nhân đóng góp cho một cơ quan, tổ chức thì cơ quan, tổ chức ấy thấy những đóng góp ấy là xứng đáng thì họ tưởng thưởng. Nhưng rõ ràng những quyền lợi kể trên “theo luật định” cứ như… “trên trời rơi xuống” thì sẽ gây ra tâm lý “tội gì mà không làm GS/PGS”. Chỉ mất một thời gian thôi thì những quyền lợi ấy sẽ tự thuộc về mình.

Lẽ ra, như nguyên tắc phổ biến, thì việc phong GS/PGS là việc của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu chứ không phải là việc của Bộ GD&ĐT cầm trịch hay là một hội đồng nào đó. Điều này nếu được thực hiện sẽ không gây ra quá nhiều những vấn đề liên quan đến việc phong GS/PGS như hiện nay.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG,Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

CHÂN LUẬN - ĐỨC MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm