Nằm trong đại dự án cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc từ Hà Nội về Nghệ An đã hoàn thành từng bước. Gần đây nhất, đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến QL45 (Thanh Hóa) đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 29-4.
Phần tiếp theo là 93,2km đường mới toanh, từ QL45 Thanh Hóa đến nút giao QL7 thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An được chia làm hai dự án nhỏ, trong đó đoạn QL45 - Nghi Sơn thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT.
Cập nhật thông tin mới nhất, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, ông Lê Thắng cho biết đoạn cao tốc này đã hoàn thành 100% hạng mục thảm bê tông nhựa. Phần hạng mục an toàn giao thông đã hoàn thành khoảng 90%. Những ngày này, các nhà thầu tăng cường máy móc, nhân sự, làm ba ca, dự kiến hoàn thành trước 31-8, để đủ điều kiện thông xe tạm tuyến chính trước dịp nghỉ lễ 2-9.
Nói là thông xe tạm, bởi dự án này còn các hạng mục đường gom, đường dân sinh. Với trách nhiệm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 cam kết hoàn thành theo đúng tiến độ của hợp đồng, trước ngày 31-12.
Công nhân vệ sinh đường trước ngày thông xe 1-9. Ảnh: CTV |
43,2 km cao tốc QL 45 - Nghi Sơn đi qua huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỉ đồng.
Nhìn lại quá trình triển khai dự án, kể từ khi Ban 2 ký hợp đồng, tháng 7-2021, Giám đốc Lê Thắng vẫn nhớ giai đoạn đó dịch COVID-19 lan rộng. Nằm hoàn toàn trên địa bàn Thanh Hóa, trong bối cảnh tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, dự án gặp nhiều khó khăn trong huy động thiết bị, phương tiện thi công cũng như nhân lực vận hành.
Hết dịch, chuyển sang 2022 thì thời tiết Thanh Hóa lại diễn biến bất thường, có đến 181 ngày mưa và đến sớm hơn thường lệ, ảnh hưởng tới công tác thi công.
Công nhân đang lắp đặt hệ thống an toàn trên cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Ảnh: CTV |
Khi thi công được thì từ tháng 6-2022 đến 4-2023 lại không có nguồn đất đắp. Rồi giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có những thời điểm biến động lớn, trong khi công thức trượt giá trong hợp đồng không phản ánh đúng giá cả thực tế trên thị trường.
Dự án gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng tiến độ được như hiện tại là cả một nỗ lực lớn của Ban Quản lý dự án 2 cũng như các nhà thầu.
Đoạn cao tốc tiếp theo, từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Diễn Châu (Nghệ An), dài 50km, tổng mức đầu tư 7.290 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Tin từ Ban 6 cho biết đến nay toàn tuyến cơ bản hoàn thiện, đáp ứng việc thông xe vào dịp Quốc khánh 2-9 tới. Phần còn lại là hệ thống đường gom, các nhà thầu đang đẩy nhanh hoàn thiện.
Công nhân ăn tối trên công trường để làm tiếp ca đêm cho kịp ngày thông xe. Ảnh: CTV |
Khi đưa vào khai thác, trong giai đoạn đầu, cả hai đoạn cao tốc quy mô bốn làn xe, không có làn dừng khẩn cấp này vẫn áp dụng chế độ vận hành như đoạn Mai Sơn - QL45 trước đó, vận tốc lưu thông 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sau này, tăng lên sáu làn xe, sẽ vận hành ở vận tốc 100-120 km/h.
Trước mắt, việc khánh thành, đi vào khai thác 93,2km cao tốc mới này sẽ giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) còn 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như hiện nay.
Tuyến cao tốc này được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, nên sau khi thông xe tạm thời chưa thu phí.
Phân luồng xe vào Nam
Từ Hà Nội qua Nghệ An vào phía Nam: Các phương tiện đi trên cao tốc từ phía Bắc vào Nghệ An, sau khi qua hầm Trường Vinh (Thanh Hóa) khoảng 5km, đến cầu vượt quốc lộ 48D cắt qua cao tốc Bắc - Nam tại Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), theo hướng dẫn đi đến nút giao Diễn Cát - Diễn Châu để từ đây về quốc lộ 7 đi vào thị trấn Diễn Châu để đi vào phía Nam.
Nếu phương tiện không đi hướng phía Nam, mà đi về các huyện thì đi tiếp khoảng 2km, đến cầu vượt nút giao Quỳnh Vinh rẽ phải, vòng qua cao tốc từ phía Tây sang phía Đông để xuống quốc lộ 48D, từ đó đi về các hướng theo lựa chọn.