Có mặt tại lễ tang còn có rất nhiều học trò của ông ở nhiều thế hệ, đến từ nhiều vùng miền khác nhau.
GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), bồi hồi nhớ lại: “Tôi là học trò chân truyền của thầy Lâm, Lê, Tấn, Vượng. Thầy Lê dạy cả lớp chúng tôi từ sinh viên năm thứ hai. Sau đó tôi được may mắn làm giáo viên ở khoa Sử dù tôi không theo lịch sử việt Nam cổ trung đại nhưng vẫn tiếp tục theo thầy và được thầy dìu dắt. Chính thầy là người khuyên bảo tập trung vào học ngoại ngữ cho nên tôi và thầy Kim và một số thầy khác có thể nói là lứa ngành khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên được đi sang các nước tư bản để tiếp tục học tập”.
GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, tại lễ tang.
GS-TS Phạm Hồng Tung cũng hồi tưởng lại khi mình bước chân sang nước ngoài học. “Lúc tôi đi học ở Cộng hòa Liên bang Đức tôi rất nghèo, không có cả tiền làm thủ tục tối thiểu, chính thầy Phan Huy Lê và thầy Trần Hữu Phú đã cho tôi tiền để mua những vật dụng cá nhân thiết yếu và gọi đến nhà. Khi tôi cưới vợ, thầy Lê, thầy Phú là những người đi hỏi vợ và tổ chức đám cưới cho tôi. Khi tôi đã là giáo sư cũng được thầy gọi đến nhắc tôi viết thế này không được đâu, phải viết lại. Thầy thương yêu nhưng nghiêm khắc”.
Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, bày tỏ sự tiếc thương, ông nói: "Đây là tổn thất rất lớn của giới sử học Việt Nam vì giáo sư đang chỉ đạo xây dựng bộ quốc sử Việt Nam, tập hợp tất cả nhà sử học đầu ngành của đất nước, tham gia vào xây dựng và đang ở giai đoạn cuối”.
Ông Nguyễn Quân khi đương chức cũng là người ủng hộ và phê duyệt bộ quốc sử Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng trong cộng đồng khoa học Việt Nam những người được như GS Phan Huy Lê rất hiếm. Không chỉ là một nhà khoa học đầu ngành, rất uyên bác mà còn là một nhà giáo rất mẫu mực. Giáo sư là đại tri thức của đất nước, nhân cách lớn. Giáo sư làm lịch sử trung thực, kiên định” - ông Nguyễn Quân nói.
Một số hình ảnh tại lễ tang.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với mất mát của gia đình.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi sổ tang.
Rất nhiều thế hệ đã có mặt để tiễn đưa GS Phan Huy Lê về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhiều người không kìm được nước mắt.
Bà Hoàng Thị Lan, vợ GS Phan Huy Lê, phải ngồi xe lăn nghẹn ngào tiễn đưa chồng.
Đoàn người đi vòng qua linh cữu chào từ biệt.
Lễ tang GS Phan Huy Lê diễn ra khi Hà Nội đổ cơn mưa to.
Bà Phan Liên, con gái GS Phan Huy Lê, cảm tạ những người có mặt để tiễn đưa cha bà về nơi an nghỉ cuối cùng.