Hà Nội nghiên cứu lập trục đô thị xanh và thành phố trực thuộc

(PLO)- TP Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây tại Hòa Lạc, Xuân Mai. Hà Nội lấy sông Hồng làm trục đô thị xanh, lấy đường Nhật Tân - Nội Bài làm trục đô thị thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII đã tổ chức hội nghị lần thứ 10 để xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, quan điểm điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này bám sát các nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển đô thị, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội đang nghiên cứu nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó định hướng lập nhiều trục đô thị và các thành phố vệ tinh để giãn dân nội đô. Ảnh: PHI HÙNG

Hà Nội đang nghiên cứu nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó định hướng lập nhiều trục đô thị và các thành phố vệ tinh để giãn dân nội đô. Ảnh: PHI HÙNG

Theo đó, Hà Nội được định hướng phát triển là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, thành phố hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị.

Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố.

“Điều chỉnh quy hoạch còn nhằm quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm. Đồng thời ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Về mặt không gian đô thị, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, Hà Nội định hướng các trục đô thị chính ở khu vực nội đô, vùng ven và các thành phố trực thuộc tại các huyện phía Tây, phía Bắc.

Cụ thể, Hà Nội sẽ lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm với thiết kế đô thị hài hoà hai bên sông. Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven. Trục đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ phát triển các đô thị thông minh. Đồng thời, xây dựng các đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (mô hình phát triển TOD) trong đó có tính đến phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: TP

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: TP

Cùng với đó, Hà Nội cũng tính đến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Ông Tuấn cho biết, bản điều chỉnh quy hoạch cũng nghiên cứu mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối tổng thể với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường.

Nghiên cứu phương án bố trí hệ thống bến, bãi đỗ xe công cộng tập trung tại các khu vực đô thị, khu vực chức năng và các biện pháp quản lý phương tiện giao thông thông minh.

Bổ sung hoàn thiện các thiết chế hạ tầng còn thiếu như: nguồn nước dự trữ, xử lý nước thải, rác thải, khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung, nhà tang lễ, nghĩa trang…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm