Hà Nội: Nhiều tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên bị nứt vỡ, phải vá lại

(PLO)- Nhiều tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội có độ bền 70 năm, với mức đầu tư từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng nhưng sau ít năm đưa vào sử dụng đã nứt vỡ, bong tróc phải vá lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2016, Hà Nội có chủ trương chỉnh trang bộ mặt nhiều tuyến phố, trong đó có lát lại vỉa hè Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến phố ở các quận nội thành được lát đá tự nhiên với độ bền 70 năm.

Nhiều dự án lát đá vỉa hè có giá trị khủng

Thực hiện chủ trương này, nhiều tuyến phố đã được đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để hạ ngầm cáp điện, lát đá, bó lại vỉa hè...

Cụ thể năm 2017, quận Hoàng Mai đã triển khai hai dự án chỉnh trang lại các tuyến phố trên địa bàn quận gồm: Dự án chỉnh trang lại tuyến phố Giải Phóng (bao gồm cả hạng mục lát đá vỉa hè) đoạn từ phố Tương Mai đến vành đai 3 với chiều dài 2,83 km, tổng mức đầu tư 10,76 tỉ đồng; Dự án cải tạo mặt đường, vỉa hè đường 2,5 (chiều dài 900m) với mức đầu tư 13,78 tỉ đồng.

Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn bị bong tróc, nứt vỡ phải lột ra lát đá lại. Ảnh: TP

Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn bị bong tróc, nứt vỡ phải lột ra lát đá lại. Ảnh: TP

Tương tự giai đoạn 2018-2020, quận Đống Đa cũng chi tới 26 tỉ đồng để chỉnh trang 8 tuyến phố, trong đó bao gồm cả hạng mục lát đá vỉa hè. Các tuyến phố này gồm: Văn Miếu, Nguyễn Khuyến, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng.

Điển hình nhất là quận Thanh Xuân, nơi có các dự án chỉnh trang lại một số tuyến phố với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn năm 2016 – 2017. Gồm: dự án xây dựng tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (do UBND TP Hà Nội đầu tư năm 2016) có giá trị 224,6 tỉ đồng, riêng hạng mục chiếu sáng, lát đá vỉa hè chiếm hơn 50 tỉ đồng.

Đến năm 2017, quận Thanh Xuân cũng đầu tư hơn 100 tỉ đồng để chỉnh trang hơn 7km phố Nguyễn Trãi, trong đó có chiếu sáng, cây xanh, lát đá vỉa hè...

Vỉa hè bị nứt vỡ sau vài năm sử dụng

Mặc dù nhiều tuyến phố được đầu tư tiền tỉ để chỉnh trang, lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên với tuổi thọ 70 năm nhưng chỉ vài năm đưa vào sử dụng đã có tình trạng nứt vỡ, bong tróc cục bộ.

Điển hình như vỉa hè tại đoạn phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nơi chi cả trăm tỉ đồng để chỉnh trang lại tuyến phố, nhưng sau 5 năm sử dụng, một số khu vực ở phố này đá vỉa hè đã có bị hư hại. Cụ thể như tại đoạn vỉa hè trước Công ty giày Thượng Đình (số 277 Nguyễn Trãi), Cục Sở hữu Trí tuệ (số 384-386 Nguyễn Trãi).

Đoạn vỉa hè phố Nguyễn Trãi trước cổng Cục sở hữu trí tuệ bị nứt vỡ, hư hại cục bộ . Ảnh: TP

Đoạn vỉa hè phố Nguyễn Trãi trước cổng Cục sở hữu trí tuệ bị nứt vỡ, hư hại cục bộ . Ảnh: TP

Hay như tuyến phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), tuyến phố được xưng danh là “phố kiểu mẫu” tại Hà Nội, sau 6 năm chỉnh trang hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhiều đoạn vỉa hè cũng bị bong tróc, nứt vỡ...

Ngày 13-12, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (Ban QLDA) – đơn vị được giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn quận cho biết, đơn vị này đang tiến hành bóc các đoạn vỉa hè bị hư hại, bong tróc ở phố Nguyễn Trãi và phố Lê Trọng Tấn để lát đá lại.

Về nguyên nhân đá vỉa hè nứt vỡ sau ít năm sử dụng, đại diện Ban QLDA cho hay có nhiều nguyên nhân như: Người dân đỗ ô tô đỗ tràn vỉa hè; do đơn vị thi công các dự án khác (hạ ngầm cáp điện, viễn thông; dự án thoát nước...) không trả lại mặt bằng nguyên trạng sau khi hoàn thiện dự án...

Đoạn vỉa hè phố Nguyễn Trãi trước Công ty giày Thượng Đình bị hư hại phải vá lại .Ảnh: TP

Đoạn vỉa hè phố Nguyễn Trãi trước Công ty giày Thượng Đình bị hư hại phải vá lại .Ảnh: TP

"Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng đỗ xe trái phép trên vỉa hè, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt các dự án khác thi công có liên quan đến vỉa hè.

Đồng thời chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng vỉa hè để các hư hại không lan rộng" - Vị này nói và cho biết trong năm 2022, tổng kinh phí duy tu, bảo dưỡng vỉa hè trên địa bàn quận Thanh Xuân là khoảng 2 tỉ đồng, trong đó có hai tuyến phố Lê Trọng Tấn và Nguyễn Trãi...

Trao đổi với PLO về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm cho rằng, cần phải kiểm soát lại chất lượng đá sử dụng để lát vỉa hè, để tránh tình trạng vỉa hè lát đá sau ít năm đã hư hại.

“Đá đó do đơn vị nào cung ứng, có đảm bảo chất lượng hay không? Đơn vị nào kiểm tra, đo lường và chấp thuận cho loại đá đó được sử dụng để lát vỉa hè? Chỉ cần làm rõ những câu hỏi này sẽ rõ trách nhiệm”- Ông Sâm nói, đồng thời nhấn mạnh chủ đầu tư cũng cần phải kiểm tra chặt chẽ quá trình thi công, đảm bảo đá được lát theo đúng thiết kế được duyệt như vậy mới đảm bảo độ bền.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện TP có khoảng 255 tuyến phố, hè được lát đá tự nhiên. Giai đoạn 2016-2017, việc lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên tại các quận, huyện còn nhiều tồn tại đã được chỉ rõ trong kết luận số 637/KL-TTTP-P2 ngày 13-2-2018 của Thanh tra TP Hà Nội.

Trong đó vỉa hè nhiều tuyến phố chất lượng chưa đảm bảo thiết kế, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công tác hạ ngầm chưa đồng bộ, chưa đảm bảo về mỹ quan đô thị. Công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố còn chưa đúng mục đích, công tác bảo hành, bảo trì chưa được thường xuyên, kịp thời;….

Giai đoạn từ 2018 đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm tra 52 tuyến phố lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các quận huyện lát đá vỉa hè theo đúng quy định. Chất lượng lát đá vỉa hè đã được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên vẫn còn các hạn chế như: Công tác nghiệm thu vật liệu đầu vào, quản lý chất lượng, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tại một số dự án chưa đảm bảo; công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư chưa phù hợp theo công năng thiết kế; công tác bảo hành, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm