Nhìn dáng vẻ bề ngoài ai cũng thấy Hai Hảo ở cầu Vỉ, xã Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) là một thanh niên đẹp trai, vui tính. Hảo có nghề sửa chữa máy may công nghiệp nên thu nhập cũng không đến nỗi nào. Nhưng đến nay ngoài 30 tuổi mà Hai Hảo vẫn lông bông một thân một mình.
Nhiều nữ thanh niên nông thôn ĐBSCL đổ xô về các khu công nghiệp trong vùng hoặc lên P.HCM làm công nhân nên chênh lệch nam-nữ ở khu vực này ngày càng lớn. Ảnh: HTD
Chạy ba tỉnh tìm không được vợ
Trước đây Hảo cũng kết vài cô gái trong xóm nhưng lần hồi “người trong mộng” đều lên xe hoa lấy chồng thành phố, Hảo tuyên bố không thèm cưới vợ Tiền Giang. Hai năm trước nhờ bạn bè mai mối, Hảo quen một cô gái ở tận huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Hai bên tới lui qua lại nhiều lần, mấy ông anh của cô gái còn tìm đến tận Mỹ Phong lai rai mấy ngày đêm với Hảo để tìm hiểu gia cảnh cậu em rể tương lai. Mọi chuyện đang diễn biến êm xuôi thì đùng một cái Hai Hảo tuyên bố xù không cưới. Mọi người cật vấn Hảo chỉ cười trừ, nói: “Đường đi xa quá, lần nào đi Cà Mau cũng ngán”. Sau này mọi người mới biết cô gái Cà Mau có mối khác ngon lành hơn hỏi cưới nên chia tay với anh chàng Hảo. Sau cú sốc với mối tình Cà Mau, bạn bè lại giới thiệu cho Hảo một cô gái ở xã vùng sâu thuộc huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Hai bên lại tới lui một thời gian rồi không ai nghe Hai Hảo nhắc gì đến chuyện cưới xin, cũng chẳng thấy anh chàng tới lui xứ Bến Tre như lúc trước. Bây giờ nhắc đến chuyện cưới vợ, Hai Hảo cười trừ: “Em chẳng quan tâm nữa, tới đâu hay tới đó” và sau những giờ đi sửa máy thuê thì dành cả ngày ăn nhậu với bạn bè.
Hiện nay, thiếu nữ nông thôn không còn thích thú với việc đồng áng. Ảnh: HTD
Trường hợp của anh Bình ở xã Mỹ Hạnh Trung (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) còn bi đát hơn. Bản thân không có nghề nghiệp ổn định, lại hay nhậu nhẹt la cà, thời thanh niên trai tráng Bình không kiếm được vợ. Nhìn những cô gái trong xóm ấp lần lượt lên xe hoa lấy chồng xứ khác, Bình phẫn chí bỏ quê về TP Mỹ Tho làm đủ thứ nghề quyết tâm sẽ có ngày công thành doanh toại để… cưới vợ. Nhưng cả chục năm lăn lộn kiếm sống, cái nghèo vẫn đeo đẳng nên đến nay đã 32 tuổi mà Bình vẫn không có được một mái ấm gia đình như mơ ước. Công bằng mà nói thì với tướng tá mạnh khỏe, gương mặt ưa nhìn, Bình cũng từng có vài mối tình vắt vai. Nhưng khi biết rõ gia cảnh của anh thì tất cả người yêu của Bình đều lặng lẽ rút lui không lời từ biệt. Tan giấc mơ cưới vợ đô thị, trở về quê Bình càng khó thể cưới vợ vì với cái tuổi ngoài 30 anh được liệt vào hàng “trai quá lứa”. Hai năm qua Bình bỏ thuốc lá, bỏ nhậu nhẹt quyết chí tu thân nhưng chuyện xây dựng gia đình là một giấc mơ xa vời vợi.
Cũng có nhiều thanh niên tuy nghề nghiệp đàng hoàng, ổn định nhưng đã qua tuổi 30-40 mà vẫn trong cảnh “phòng không”. Trường hợp của anh V. (gần 50 tuổi), giáo viên một trường trung học cơ sở ở thị trấn Cái Bè (Tiền Giang) và anh L. (gần 40 tuổi), cán bộ một trường dạy nghề ở TP Cần Thơ, là một ví dụ. Hai anh chàng này không xấu trai, nghề nghiệp và thu nhập ổn định nhưng cả hai bày tỏ tình cảm với cô nào cũng bị chê là… cù lần vì quê gốc ở nông thôn nên chẳng thể tiến tới hôn nhân. Có lần L. tâm sự: “Mấy cô sồn sồn cùng lứa với mình thì cô nào cũng yên bề gia thất, còn ra đường gặp mấy cô trẻ trẻ thì cô nào cũng khoanh tay “thưa chú, thưa bác”, vậy là bít cửa”.
Lỗi do Hai Lúa ?
Thiếu nữ miền Tây trong một buổi tuyển cô dâu sang Hàn Quốc. Ảnh: CTV
Ông Trần Thanh Nguyên, Bí thư Đoàn TNCS HCM tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận hiện nay có một bộ phận nam thanh niên nông thôn khó cưới được vợ chỉ vì sa đà vào chuyện nhậu nhẹt, đá gà, số đề khiến các cô thôn nữ “sợ xanh mặt”, không dám nhận lời về nâng khăn sửa túi. “Đoàn Thanh niên cũng rất bức xúc chuyện này. Nguyên nhân chính khiến nam thanh niên nông thôn sa đà vào ăn nhậu, cờ bạc là do thiếu sân chơi, thiếu các hoạt động bổ ích nên thời gian rảnh rỗi họ chẳng biết làm gì”.
Theo ông Nguyên, hiện nay đang có xu hướng nhiều nữ thanh niên nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đổ xô về các khu, cụm công nghiệp trong vùng hoặc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM xin vào làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp nên chênh lệch nam - nữ ở khu vực này ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng nam thừa, nữ thiếu ở nhiều nơi.
Nhiều nguyên nhân khiến các cô thôn nữ chê các chàng Hai Lúa. Trước hết, phải kể đến nguyên nhân là các thôn nữ ngày càng sợ công việc đồng áng chân lấm tay bùn nên đua nhau ra thành thị học nghề rồi xin vào làm công nhân các nhà máy xí nghiệp, từ đó không muốn về quê lấy chồng. Một số khác thì do gia cảnh nghèo khó, mong muốn mau chóng đổi đời nên chỉ mong được lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hoặc các chàng trai khá giả ở chốn thị thành. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp thì chỉ tính từ năm 1998 đến 31-12-2010, ngành tư pháp đã chấp nhận và làm thủ tục cho 294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trong đó phần lớn ở ĐBSCL. Riêng tỉnh Hậu Giang từ năm 2004 đến nay đã có hơn 10.000 phụ nữ tuổi từ 18 đến 25 kết hôn với người nước ngoài.
Trong khi đó nhiều tỉnh trong khu vực như Tiền Giang, Vĩnh Long đang báo động về tỉ số giới tính khi sinh (SRB) giữa nam và nữ với con số thống kê cụ thể: 111 nam/100 nữ. Một cán bộ dân số của tỉnh Tiền Giang nhận định tỉ số giới tính này đang có chiều hướng phát triển theo xu thế chọn nam bỏ nữ, nếu không ngăn chặn được thì chỉ sau vài thập niên có thể sẽ xảy ra tình trạng nam thanh niên ĐBSCL phải đổ xô đi tìm vợ ở xứ khác.
Tỉ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên hiện đang có vợ hoặc có chồng ở nước ta là tương đối cao. Tỉ trọng nam chưa vợ cao hơn 6,8 điểm phần trăm so với tỉ trọng nữ chưa chồng (28,5% so với 21,7%). Nhìn chung, nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn nam. Trước tuổi 30, nữ giới kết hôn nhiều hơn so với nam giới. Ở nhóm tuổi trẻ nhất 15-19, chỉ có 2,3% nam giới đã từng kết hôn, trong khi 8,6% nữ giới ở nhóm tuổi đó đã từng kết hôn. Ở nhóm tuổi 20-24, tỉ lệ đã từng kết hôn của nữ cao gấp hơn hai lần của nam (48,7 so với 23,7%). Riêng với ĐBSCL, bình quân tuổi kết hôn lần đầu của nam là 26,4, bình quân tuổi kết hôn lần đầu của nữ là 22,5. Chênh lệch tuổi kết hôn lần đầu nam nữ là 3,8, cao hơn bình quân cả nước là 0,3. (Theo báo cáo kết quả điều tra dân số năm 2011 của Tổng cục Thống kê) |
HÙNG ANH