Tối 11-5, tại Quảng trường Trung tâm Chính trị Hành chính, Khu đô thị Bắc sông Cấm, Hải Phòng tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề 'Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản' và trao bằng công nhận Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc Lễ hội Hoa Phượng đỏ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng đây là một Lễ hội có dấu ấn đặc biệt.
"Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng Chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà"- Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, nhân dân Hải Phòng rất chú trọng xây dựng các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị văn hóa cho muôn đời sau. Chính vì vậy, hiện nay, Hải Phòng đã có 132 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt; có 21 bảo vật quốc gia được công nhận, được xếp trong tốp đầu của cả nước.
"Với truyền thống lịch sử - văn hóa - con người Hải Phòng, cùng với những di sản văn hóa đã được vinh danh sẽ là tiền đề là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước"- Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định.
Tại chương trình, đại diện UNESCO đã trao bằng công nhận Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Jonathan Wallace Baker, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, vinh dự này là cơ hội thiết lập một thương hiệu du lịch quốc tế, cũng đặt ra trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong bảo tồn, phát huy tốt giá trị Di sản thiên nhiên thế giới.
"Danh hiệu Di sản Thế giới góp phần nâng cao hơn về danh tiếng cũng như mang lại nhiều cơ hội lớn dành cho Hải Phòng, bởi sự quan tâm đặc biệt của công chúng, của đối tác, của các nhà đầu tư và du khách.
Chúng ta càng hiểu hơn rằng hợp tác chính là yếu tố then chốt để khu vực di sản này tỏa sáng. Các định hướng phát triển cũng như tăng trưởng du lịch đi đôi với kế hoạch quản lý chặt chẽ, phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan để đảm bảo sự phân bổ nguồn lực thỏa đáng và tăng cường nghiên cứu sẽ góp phần đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển khu di sản"- Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nói.
Sau phần trao danh hiệu UNESCO là Chương trình nghệ thuật ‘Hải Phòng bừng sáng miền di sản’, với 3 chương: Chương 1 - “Khúc nguyệt cầm của biển”, “Hải Phòng - Rạng rỡ tháng Năm” và “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”.
Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng với sân khấu nổi bật, ấn tượng, tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở, tạo cảm quan thưởng ngoạn ở nhiều góc độ khác nhau về thành phố Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ, ngập tràn sức sống, nêu bật dấu ấn trọng đại, thành tựu quan trọng trong hành trình xây dựng, phát triển thành phố.
Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa tầm cao, khép lại một đêm hội được người Hải Phòng coi là ‘đêm giao thừa thứ 2’ trong năm.