Hàn Quốc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất chip

(PLO)- Việt Nam đang hấp dẫn các công ty sản xuất chip của Hàn Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Hàn Quốc (Bank of Korea-BOK) cho biết, Việt Nam đang nổi lên làm cứ điểm quan trọng của các tập đoàn sản xuất chip của Hàn Quốc.

“Việt Nam sẽ là nguồn cầu quan trọng cho các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc khi nước này vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin.

Việc sản xuất chip tại Việt Nam sẽ dành cho xuất khẩu và phục vụ cho việc sản xuất các hàng hoá công nghệ thông tin của Hàn Quốc tại nước này” - BOK nhấn mạnh.

Theo BOK, Việt Nam ngày càng hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn, Samsung Electronics đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ năm 2018.

Apple cũng đã chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái, trong khi Google cũng đang xem xét việc đến đầu tư tại Việt Nam.

Trong một hội thảo gần đây, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc cũng không phải mới diễn ra cách đây 2-3 năm mà hơn 15 năm nay rồi, bắt đầu từ nhà đầu tư Nhật và rồi Hàn Quốc.

Tuy nhiên dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc không có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ, ngược lại, còn tăng dòng vốn đầu tư vào thị trường này.

Theo ông Sử, các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2018, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng thêm 10 tỉ USD. Năm 2022, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đạt đỉnh là 172 tỉ USD, trong khi năm 2018 là 110 tỉ USD. Các nhà đầu tư châu Âu cũng tăng vốn bình quân vào Trung Quốc là 90%/năm. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc là rất lớn và nhà đầu tư không từ bỏ được.

"Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ- Trung, dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung đã khiến Việt Nam và các nước Đông Nam Á được hưởng lợi từ dịch chuyển này.

Qua khảo sát và tư vấn quốc tế thì đến khoảng 64% nhà đầu tư khi dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã lựa chọn khu vực Đông Nam Á và quá nửa trong số đó cân nhắc lựa chọn Việt Nam. Bởi vì Việt Nam có lợi thế lớn về trung tâm logistics, và kết nối được hoạt động sản xuất với Trung Quốc.

Chúng ta thấy, dịch chuyển của Trung Quốc qua Việt Nam là có, nhưng không có nghĩa là nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc mà chủ yếu cân bằng lợi ích của họ" - ông Sử nói.

Korea Times. Ảnh: Korea Times

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm