Hàn Quốc đang xuất khẩu những vũ khí gì ra thế giới

Hàn Quốc đang xuất khẩu những vũ khí khí tài gì ra thế giới

1. Máy bay huấn luyện - chiến đấu T-50 Golden Eagle

T-50 Golden Eagle hay đầy đủ là KAI TA-50 là một máy bay huấn luyện/tấn công hạng nhẹ siêu âm được Hàn Quốc - Hoa Kỳ hợp tác thiết kế chế tạo. Nó được phát triển bởi Korean Aerospace Industries cùng với sự hợp tác của Lockheed Martin.

Thiết kế của T-50 Golden Eagle chủ yếu dựa trên F-16 Fighting Falcon, chúng tương tự nhau về cách thức trang bị động cơ, tốc độ, kích thước, giá thành và tầm hoạt động. Ban đầu, chương trình tập trung vào phát triển máy bay huấn luyện phản lực nhằm sử dụng để đào tạo phi công lái F-16 do các lực lượng không quân trên khắp thế giới, bao gồm cả Không quân Hàn Quốc.

T-50 có biến thể cường kích hạng nhẹ A-50 và FA-50 mạnh hơn. A-50 là phiên bản vũ trang của T-50 như một nền tảng ổn định cho vũ khí tự do cũng như vũ khí dẫn đường chính xác. FA-50 là phiên bản A-50 sửa đổi với một radar AESA và một đường truyền dữ liệu chiến thuật chưa xác định được chủng loại. 60 chiếc A-50 dự kiến sẽ được sản xuất cho Không quân Hàn Quốc để thay thế cho A-37.

Thông số kỹ thuật: Dài 12,98m; sải cánh 9,17m; cao 4,78m; trọng lượng cất cánh tối đa 11.985 kg; vận tốc cực đại Mach 1,4; tầm bay 1.850 km; trần bay 14.630m, tải trọng vũ khí 3.740 kg. Giá thành: 30 triệu USD (T-50), 35 triệu USD (TA-50), 45 triệu USD (FA-50). Quốc gia đặt hàng: Indonesia (16 T-50I), Iraq (24 T-50IQ), Philippines (24 FA-50).

2. Pháo tự hành K-9

Pháo tự hành 155mm K-9 Thunder của Hàn Quốc là sản phẩm do Samsung Techwin nghiên cứu phát triển từ năm 1989 theo đơn đặt hàng của Lục quân Hàn Quốc nhằm thay thế cho pháo tự hành 155mm K-55 thế hệ cũ.

Thiết kế của K-9 có hơi hướng giống với pháo tự hành M-109 Paladin của Mỹ. Pháo chính của K-9 là loại L52 cỡ 155mm có tầm bắn tối đa 30 km với đạn thường và lên tới 40 khi khi sử dụng đạn tăng tầm. Nòng pháo có loa giảm giật giúp giảm ảnh hưởng khi bắn đạn tăng tầm đi kèm bộ khóa/giá đỡ nòng pháo khi xe di chuyển hay dừng nghỉ. Góc nâng hạ của pháo từ -2,5° đến +70° với tháp pháo xoay 360°. Điểm dày nhất trên giáp xe là 19mm, còn hệ thống bảo vệ NBC lẫn thiết bị nhìn đêm là trang bị tiêu chuẩn của K9 Thunder.

Bên cạnh 48 quả đạn pháo 155mm dự trữ trong xe, K-9 còn được bổ sung đạn dược từ xe tiếp đạn tự hành K-10. Hàn Quốc phát triển K-10 dựa trên K-9 với sự đồng nhất về khung thân, điều này có ưu điểm về mặt hậu cần trên chiến trường lẫn tính kinh tế khi phát triển. Hơn nữa cơ chế “cầu” chuyển tải đạn pháo độc đáo trên K-10 giúp kíp lái không phải ra ngoài mà vẫn chuyển đạn pháo qua cho K-9 được dưới sự bảo vệ của vỏ giáp.

Thông số kỹ thuật: Trọng lượng 51,7 tấn (56 tấn phiên bản T-155 Firtina); dài 12m; rộng 3,4m; cao 2,73m; kíp chiến đấu 5 người. Giá thành 10 triệu USD (kèm xe tiếp đạn K-10), 6 triệu USD chỉ riêng pháo. Quốc gia trang bị: Thổ Nhĩ Kỳ (phiên bản T-155 Firtina), Ấn Độ (đang đàm phán chuyển giao công nghệ).

3. Tàu ngầm Chang Bogo

Tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Chang Bogo (biến thể tàu ngầm Type-209/1200 của Đức), được thiết kế với mục đích bảo vệ căn cứ hải quân và tiêu diệt các tàu ngầm cũng như tàu mặt nước của đối phương. Tên của lớp tàu được đặt theo vị anh hùng của Hàn Quốc là Jang Bogo.

Từ năm 2012, Hàn Quốc đã được Đức cho phép độc lập xuất khẩu các phiên bản cải tiến của tàu ngầm Chang Bogo với một số nâng cấp do Daewoo thực hiện. Khách hàng đầu tiên của những tàu ngầm Chang Bogo nâng cấp này là Indonesia với 3 chiếc đã được đặt hàng, các tàu ngầm Hàn Quốc đóng cho Indonesia dự kiến sẽ được trang bị động cơ đẩy không cần không khí (AIP).

Thông số kỹ thuật: Lượng giãn nước 1.200 - 1.400 tấn; dài 56 - 61m; rộng 6,3m; mớn nước 5,5m; lặn sâu tối đa 500m; tốc độ 11 – 21,5 hải lý/giờ. Tầm hoạt động 11.000 hải lý khi chạy nổi ở tốc độ 10 hải lý/h, 8.000 hải lý khi chạy với ống thở ở tốc độ 10 hải lý/h, 400 hải lý khi chạy ngầm với tốc độ 4 hải lý/h. Vũ khí trang bị gồm có 14 ngư lôi cỡ 533mm cùng với 28 thủy lôi, 3 chiếc sau thuộc lớp này đóng cho Hải quân Hàn Quốc còn được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon.

4. Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình KDX-I

Đồ họa tàu hộ vệ tên lửa tàng hình KDX-I thiết kế cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan

KDX-I thuộc loại tàu hộ vệ tên lửa đa năng đa năng được phát triển bởi tập đoàn DSME - Hàn Quốc, có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ như: Tuần tra, chống tàu mặt nước, chống ngầm, đối không. Tàu được thiết kế để hoạt động trong môi trường nhiều mối đe dọa cao, có thể tác chiến độc lập hoặc tác chiến hiệp đồng trong biên đội.

KDX-I được trang bị các hệ thống điện tử hiện đại nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ như radar mạng pha trinh sát đường không AN/SPS-49; radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước Signaal MW 08 và radar điều khiển hỏa lực Signaal STIR 180 do tập đoàn Thales chế tạo; radar hàng hải SPS-95K do tập đoàn Deawoo sản xuất đi kèm với hệ thống định vị thủy âm ATLAS DSQS-21BZ, hệ thống mồi bẫy ngư lôi kéo theo SLQ-25 cùng hệ thống chiến tranh điện tử toàn diện.

Trái tim của KDX-I là hệ thống dữ liệu chiến đấu SSCS Mk-7 do BAE Systems của Anh chế tạo. Hệ thống này bao gồm 10 bảng điều khiển đa chức năng để nhận thông tin từ các hệ thống cảm biến.

KDX-I được đánh giá có tính năng chiến đấu toàn diện

Vũ khí trang bị của KDX-I gồm 1 pháo Oto Melara 127mm, 8 tên lửa đối hạm RGM-84 Harpoon, 16 tên lửa đối không tầm trung RIM-7 Sea Sparrow chứa trong các ống phóng thẳng đứng Mk-48, 2 hệ thống CIWS Goalkeeper cùng 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm Mk-46. Đuôi tàu còn có nhà chứa và sàn đáp cho phép mang theo 1 trực thăng chống ngầm Super Lynx.

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc thời gian gần đây đang tiến triển rất tốt đẹp, có thể kể ra vài dự án hợp tác như hiện đại hóa xe thiết giáp M-113, cung cấp phụ tùng trực thăng UH-1, viện trợ tàu tuần tra cho Cảnh sát biển… Với chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo một số vũ khí Hàn Quốc để đưa vào danh sách mua sắm tiềm năng.

Theo Trí thức trẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm