Hàng loạt ông lớn vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Chiều nay, 11-2, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phân phối hàng hóa về việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ do dịch bệnh.

Cuộc họp được tổ chức ngay sau khi nhận được thông tin Trung Quốc tiếp tục lùi thời gian khôi phục hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đến cuối tháng 2-2020.

Nhiều tỉnh bị ảnh hưởng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp. Ảnh: AH


Mở đầu cuộc họp, ông Hà Lê Thanh Trung, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, thông tin do ảnh hưởng của dịch Corona khiến hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng, do đó nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh hiện còn tồn đọng khá nhiều. Cụ thể, hiện tỉnh đang tồn đọng 11.000 tấn khoai lang, 6.700 tấn ớt, nhãn 1.200 tấn, một tháng nữa sẽ thu hoạch 90.000 tấn xoài.

"Hiện địa phương chưa có cách nào để tiêu thụ số nông sản còn tồn đọng nói trên. Rất may là sản phẩm thủy sản ảnh hưởng không lớn vì có thể đông lạnh được" - ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai, cũng cho biết trên địa bàn tỉnh đang còn 119.000 tấn chuối, 111.000 tấn xoài đang vào vụ thu hoạch.

Nếu tình hình dịch Corona kéo dài, một số sản phẩm khác của tỉnh cũng bị ảnh hưởng theo, như mít còn khoảng 47.000 tấn, chôm chôm 155.000 tấn, sầu tiêng 39.000 tấn sẽ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9-2020.

Đối với tỉnh Bình Thuận, ông Hà Lê Thanh Trung - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết tỉnh hiện đang còn 7.600 tấn thanh long đang được lưu trữ tại các kho lạnh của doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 2 và tháng 3-2020, tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 88.000 tấn thanh long.

Các đại biểu tham dự cuộc họp về kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ do dịch bệnh. Ảnh: AH

"Trước tình hình này, Sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiến hành thu mua cho bà con đưa vào kho lạnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán lẻ. Kiến nghị Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đề xuất Bộ chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu giúp liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh phân phối trái cây" - ông Trung đề xuất.

Các hệ thống phân phối lớn vào cuộc

Trước khó khăn như trên, sự chung tay hỗ trợ của các hệ  thống phân phối lớn là điều vô cùng cần thiết và cấp bách. Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Sở đã chủ động triển khai văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cung cấp danh sách các sản phẩm cần tiêu thụ để Sở kết nối với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn. 

Tại cuộc họp, Tập đoàn Central Retail cho biết từ ngày 5-2 đã hỗ trợ tiêu thụ với sản lượng 100 tấn dưa hấu/ngày, 70 tấn thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng/ngày.

Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cũng đang tiêu thụ 30-35 tấn thanh long ruột đỏ và 5-7 tấn dưa hấu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối cung ứng của Công ty TNHH TMCP Vincommerce cho biết gặp khó khăn khi các tỉnh không giao đủ sản lượng cho hệ thống phân phối theo như đã ký kết. Ảnh: AH

Hệ thống siêu thị Co.op mart đang tiêu thụ 1.600 tấn dưa hấu và thanh long/ngày trên cả nước.

Bà Trần Thu Quỳnh – Giám đốc thu mua miền Bắc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cũng chia sẻ: "Về lâu dài, Tập đoàn Aeon luôn phối hợp chặt với Sở Công Thương các tỉnh để tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Việt Nam".

Cũng theo chia sẻ của các hệ thống phân phối có mặt tại cuộc họp, việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các địa phương đang gặp một số khó khăn.

Như chia sẻ của bà Đinh Hải Vân – Giám đốc thu mua miền Bắc Tập đoàn Central Retail, cho biết: "Chúng tôi đang gặp khó khăn với thanh long ruột đỏ Tiền Giang, vì chúng tôi có thể tiêu thụ số lượng nhiều hơn nhưng lại nhận được thông tin tỉnh Tiền Giang không cần giải cứu nữa. Vậy cụ thể như thế nào thì đề nghị tỉnh cho thông tin cụ thể. Ngoài ra, nếu Sở Công Thương, HTX các tỉnh gặp khó khăn về vận chuyển có thể đề xuất trực tiếp với Big C vì chúng tôi có bộ phận vận chuyển nhận sản phẩm ngay tại các tỉnh".

Người dân mua thanh long tại siêu thị. Ảnh: Kh.V

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối cung ứng của Công ty TNHH TMCP Vincommerce cũng chia sẻ gặp khó khăn khi các tỉnh không giao đủ sản lượng cho hệ thống phân phối theo như đã ký kết. 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là mặt hàng hoa quả có thời vụ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các tỉnh cần chủ động kết nối tiêu thụ trong nước giảm ảnh hưởng của dịch bệnh Corona. Các địa phương cần tập hợp đầu mối cho Vụ Thị trường trong nước để liên hệ qua một đầu mối để bảo đảm nhanh nhất đối với từng sản phẩm. 

Đồng thời, yêu cầu Vụ Thị trường ngoài nước tìm kiếm các thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc để có thể tiêu thụ sản phẩm nông sản sớm nhất.

"Ví dụ như với mặt hàng vải, sắp tới đến mùa vụ thu hoạch nên cần có những biện pháp cho phù hợp, để dù dịch bệnh còn kéo dài thì sẽ hạn chế được tình trạng nông sản đến mùa vụ nhưng không tiêu thụ được" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Tại hội nghị, nhằm biến cam kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản thành hành động cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ ký kết giữa các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố với các hệ thống phân phối lớn thống nhất hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh Corona tại các tỉnh, thành phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm