Ghi nhận của phóng viên PLO ngày 11-9, dọc theo đường dân sinh tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương, đoạn từ cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) đến địa bàn xã Lợi Bình Nhơn (TP. Tân An) giáp ranh với tỉnh Tiền Giang có hơn 100 điểm hàng rào bị cắt phá.
Cặp theo đường cao tốc, nhiều đoạn hàng rào thuộc địa bàn Xã Lợi Bình Nhơn (TP. Tân An) bị cắt, phá, bị ngã nghiêng hư hỏng. Ảnh: HUỲNH DU |
Nhiều chỗ bị tháo dỡ toàn bộ bu-lông khiến khung hàng rào dài 3m bị ngả nghiêng, rác thải đổ đầy. Nhiều người lợi dụng những điểm hở này để vào bên trong hàng rào cắt cỏ, trồng rau, bỏ rác….
Những đoạn bị cắt và cặp theo hàng rào cao tốc làm nơi để người dân vứt rác bỏ nơi đây. Ảnh: HUỲNH DU |
Hàng rào cao tốc bị cắt, phá làm nơi để vật dụng, phân,nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh:HD |
Khu vực được xem là mất cảnh quan dưới cao tốc TP.HCM – Trung Lương là đoạn cầu bắt qua Vàm Cỏ Tây, người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm… vô tư ra vào khu vực cấm, khu vực nguy hiểm. Không những vậy, có cả bãi phế liệu, bãi chứa hàng hóa đang hoạt động bên trong hàng rào cao tốc.
Đoạn phía dưới cao tốc thuộc địa bàn xã Hướng Thọ Phú bị người dân phá hàng rào làm nơi chứa vật dụng gia đình, gây mất vẻ mỹ quan. Ảnh: HUỲNH DU |
Lợi dụng bóng mát dưới gầm cầu, người dân đã cắt hàng rào, mở quán cà phê võng, để cho khách dừng nghỉ chân. Tại đây, được xem như một quán nghỉ chân ven đường.
Dưới gầm cao tốc đoạn địa phận xã Hướng Thọ Phú bị người dân phá hàng rào mở quán cafe võng. Ảnh: HUỲNH DU |
Điều đáng nói, ở hai đầu đường dẫn trạm dừng nghỉ của Công ty TNHH Châu Thành thuộc địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, nhiều đoạn hàng rào cũng bị cắt phá, tạo lối lên xuống đường cao tốc.
Khu vực phía dưới cầu vượt số 3, gần trạm dừng chân cao tốc, hàng rào bị cắt phá rất tạo lối lên xuống và cũng là nơi ô nhiễm nhất trên đoạn này. Ảnh: HUỲNH DU |
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực cầu vượt số 6 thuộc xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An, khi có rất nhiều vị trí hàng rào bị cắt phá.
Người dân phá hàng rào để trồng cỏ, trồng trọt. Ảnh: HUỲNH DU |
Một người đàn ông khoảng 50 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An) đang cắt cỏ phía bên trong hàng rào B40 cho biết: “Tôi thấy nhiều chỗ hàng rào bị cắt phá, trồng trọt… nên tôi cũng lẻn vào đây để trồng cỏ rồi vào cắt đem về cho bò ở nhà ăn”.
Theo anh Lê Văn Đức (TP.Tân An) cho biết, cặp theo cao tốc TP.HCM-Trung Lương đoạn qua địa bàn TP. Tân An có rất nhiều điểm, điểm bị tháo dỡ bu-lông, cắt phá hàng rào, làm nơi buôn bán, chứa hàng, nuôi gia súc, gia cầm…
Người dân phá hàng rào để làm nơi tập kết, chăn thả trâu, bò. Ảnh:HUỲNH DU |
Anh Đức nói: “ Tôi thấy cảnh tượng nơi đây mất đi vẻ mỹ quan cao tốc, mất vệ sinh, nhiều người cứ cắt phá hàng rào để vào bên trong điều đó luôn tìm ẩn nhiều hệ lụy, đặc biệt là nơi những điểm cắt hàng rào để đón xe trên cao tốc rất nguy hiểm… Ở đây dù được chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở nhưng nhiều người vẫn canh không có người để ý lại vi phạm”.
Các bu - lông hàng rào cao tốc bị tháo dỡ tạo nơi ra vào cao tốc. Ảnh: HUỲNH DU |
Theo ông Lữ Văn Khởi- Chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú, TP. Tân An (Long An) cho biết, UBND xã đã chỉ đạo các xã kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cắt phá hàng rào. Đồng thời phối hợp với Ban quản lý dự án cao tốc đã mời các hộ sống cặp theo cao tốc TP.HCM – Trung Lương thuộc địa bàn xã lên làm việc, tuyên truyền cho bà con không cắt phá, đảm bảo an ninh giao thông khu vực này và viết cam kết không vi phạm.
Theo đại diện Ban ATGT tỉnh Long An, việc cắt phá, tháo dỡ hàng rào cao tốc hết sức nguy hiểm. Khi đó, chỉ một vài con gia súc như trâu, bò… đi lọt vào đường cao tốc, hậu quả sẽ khó lường.
"Ban ATGT sẽ có văn bản yêu cầu UBND các huyện Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An phối hợp đơn vị quản lý đường cao tốc thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân không xâm hại hành lang đường cao tốc. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an cương quyết xử lý những hành vi vi phạm", vị đại diện cho biết.
Cao tốc TP.HCM thường xuyên xảy ra bị ùn tắc sau khi dừng thu phí năm 2019. Ảnh:HD |
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài gần 62 km, 4 làn xe, khai thác từ năm 2010, là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối TP.HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang; vận tốc tối đa 100 km/h.
Đầu năm 2019, cao tốc dừng thu phí, lượng xe sau đó tăng trên 30% với 40.000-50.000 lượt xe mỗi ngày đêm khiến mặt đường quá tải, hư hỏng và thường xuyên được sửa chữa nâng cấp.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến này, hàng rào an toàn cao tốc chưa được sửa chữa, điều này gây ra nhiều hệ lụy và mối nguy hiểm xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương