Hành khách những 'chuyến bay giải cứu' có đòi được tiền chênh lệch khi giá vé bị đẩy lên cao?

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng theo luật, hành khách có quyền khởi kiện để đòi lại phần tiền chênh lệch. Nhưng hành trình ấy có thuận lợi hay không?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Đáng chú ý, trong vụ án này, sai phạm của các bị cáo nhóm nhận hối lộ được nhận định là đã khiến cho giá vé các chuyến bay về nước bị "đôn lên gấp nhiều lần".

Khai tại tòa, cựu Cục trưởng cục Lãnh sự Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thị Hương Lan thừa nhận sai phạm, việc nhận tiền là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá chuyến bay, làm mất uy tín của Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc là trong vụ án này, hàng chục tỉ đồng khắc phục đã được thu hồi, vậy những người mua vé ‘chuyến bay giải cứu’ (hiện không được xác định là bị hại trong vụ án đang xét xử) có được đòi lại phần tiền chênh lệch hay không?

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vụ án này là một đại án với 54 bị cáo. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng chỉ xử lý các hành vi được phái sinh từ hành vi chính. Tức hành vi gian dối đẩy giá vé lên cao buộc người trong hoàn cảnh ngặt nghèo phải thanh toán mức cao hơn giá lẽ ra họ phải trả chứ chưa xoáy vào trọng tâm để làm cơ sở bồi thường cho các nạn nhân do hành vi trái pháp luật của một nhóm bị cáo gây ra.

LS Công nhận định: Hiện nay, TAND TP Hà Nội đang xử các bị cáo về các tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các tội này đều hình thành từ hoạt động giải cứu và thiệt hại của các cá nhân là có thật nhưng không có tội danh nào trực tiếp liên quan đến người dân nhằm xác định họ là bị hại để họ được hoàn lại số tiền đã trả, cao hơn số tiền mà họ lẽ ra phải trả.

Theo LS Công, có ý kiến cho rằng việc mua bán vé là sự thỏa thuận giữa hai bên và khách hàng tự nguyện mua nên đây là quan hệ dân sự bình thường “thuận mua, vừa bán”. Tuy nhiên, dù biết giá giữa người mua vé và hãng bay hoặc các công ty tổ chức cho việc di chuyển này là sự thỏa thuận của đôi bên do người mua vé tự nguyện, nhưng xét bản chất sâu xa thì họ đang ở vào tình trạng không có chọn lựa ngoài việc phải bắt buộc mua. LS Công cho rằng có thể xem đây là hoàn cảnh đặc biệt mà một bên không thể làm khác và bên kia thì lợi dụng hoàn cảnh đó để trục lợi nên hàng khách mua vé được quyền khởi kiện các đơn vị tổ chức bán vé để lấy lại phần đã trả vượt quá quy định.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là việc xác định giữa “giá bình thường” và “giá khác thường”. Biết rằng người bán vé đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá nhưng giá vé máy bay không có giá “chuẩn” và không có cơ quan nào giám định được. (Đó là chưa nói, trong điều kiện dịch bệnh, "cấu thành" của giá vé có thể rất khác so với giá vé trong điều kiện bình thường). Nếu có thì phải là các cơ quan chuyên biệt của Nhà nước vào cuộc để xác định giá vốn cho các chuyến bay, có tính đến các chi phí đặc biệt theo quy định của pháp luật lao động về phục vụ trong công việc độc hại, nguy hiểm (đối với tiếp viên, phi công) cũng như các khoản chi trả cho phía nước ngoài (nếu có) cũng như các dịch vụ trong điều kiện dịch bệnh ở Việt Nam. Từ đó, các cơ quan này mới tính toán được giá vốn để có cơ sở so sánh với giá bán nhằm xác định được khoản bất thường không được phép thụ hưởng của đơn vị tổ chức.

Vì thế, theo LS Công tuy người dân có quyền khởi kiện để đòi lại phần chênh lệch nhưng e rằng không dễ dàng bởi việc thu thập chứng cứ và chứng minh thiệt hại phải trên cơ sở quy định pháp luật chứ không thể là cảm tính suy diễn.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi lại phần tiền chêch lệch giá vé. Tuy nhiên, theo TS Tiến, việc chứng minh khoản tiền chênh lệch bao nhiêu là rất khó. Bởi lẽ, việc xác định giá vé “phù hợp” hay giá vé “chuẩn” là rất khó. Lý do là các chuyến bay này bay trong mùa dịch, điều kiện bay rất ngặt nghèo, rất nhiều nước cấm Việt Nam bay đến.

Cạnh đó, theo TS Tiến, vì bay vào mùa dịch nên các chi phí cũng rất khác, nó không giống như một chuyến bay thông thường như hiện nay. Có nhiều khoản chi mà bình thường không có hoặc mức chi nhiều hơn. Đơn cử như chi phí làm thủ tục giấy tờ xuất, nhập cảnh; xét nghiệm COVID-19; cách ly; tiền xăng, tiền công trả cho phi công, tiếp viên hay các chi phí khác như đưa đón trung chuyển, bảo hiểm, ăn uống, cách ly... Vì vậy, TS Tiến cho rằng việc tính toán, đong đếm để đưa ra một con số chính xác là không dễ dàng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm