Hậu À Ra Thế - Kỳ 87

Cán bộ phường tiếp chị A bảo chị về giải quyết nội bộ trong nhà với nhau, không phải việc lớn nhỏ gì cũng… kéo ra phường thì phường còn thì giờ đâu để giải quyết công vụ… Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?” Đáp án của ban tổ chức (BTC) cho là chị A đúng, cán bộ phường sai. Vì việc xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình đã được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (LPCBLGĐ) năm 2007 giao cho UBND phường xã…

Bạn thân mến,

Do số thơ bạn trong làng gửi về quá nhiều, số này BTC dành ưu tiên đăng các ý kiến ủng hộ đáp án. Số báo Chủ nhật tới sẽ có lời gút của BTC.

Nạn nhân được quyền trình báo

Chị A là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình (khoản 1.b Điều 2 Luật PCBLGĐ) nên việc trình báo của chị A là hoàn toàn đúng. Do đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 18 cần phải tiếp nhận và kịp thời giải quyết cho chị. có như vậy luật mới đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình.

VŨ ĐOÀN TUẤN (Tổ bảo vệ BV đa khoa Bình Phước)

Cán bộ phường không thể thoái thác trách nhiệm!

UBND phường là cấp chính quyền gần dân nhất nên phải có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Việc cán bộ phường cho rằng con dâu bị mẹ chồng chửi rủa, nói xấu là “chuyện nhỏ” là chưa thấy hết được trách nhiệm của mình, đặc biệt là khi nhà nước đã ban hành LPCBLGĐ.

Ths. TRẦN TUẤN DUY (Trường Cán bộ TP.HCM)

Phường xử lý khi nhận tin báo

UBND cấp phường, xã có trách nhiệm xử lý kịp thời khi nhận được tin báo về bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý và có thể áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

Cũng cần lưu ý là việc hòa giải ở cơ sở phải dựa trên cơ sở tự nguyện, vì thế nếu chị A không đồng ý về tổ hòa giải thì phường phải thụ lý giải quyết.

VƯƠNG TẤT ĐỨC (Phòng Công chứng số 3 huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)

Phường phải ngăn chặn, xử lý kịp thời

Việc chị A “thưa” mẹ chồng có hành vi bạo lực với mình mà cán bộ không giải quyết là đã vi phạm khoản 2 Điều 19 LPCBLGĐ. Theo điều luật này thì chính quyền cấp phường khi nhận được tin báo phải có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tôi cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng chị A phải nhờ tổ hòa giải ở tổ, khu phố trước, chứ không được lên thưa thẳng với chính quyền xã, vì việc tiếp nhận tin tố giác, tố cáo hành vi bạo lực gia đình có nhiều cơ quan tiếp nhận: công an, chính quyền xã và người đứng đầu cộng đồng dân cư.

ĐINH THỊ TUYẾT SƠN (Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Bình Phước)

Chị A có quyền bảo vệ sức khỏe

Đáp án của BTC hoàn toàn đúng. Tôi xin bổ sung thêm Điều 5 khoản 1 mục a là yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm… Đó là quyền của chị A.

ĐOÀN QUỐC VĂN (679-A3/8 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM)

Sai luật, sai cả ứng xử!

Theo LPCBLGĐ, người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực (khoản 1 Điều 18). Việc mẹ chồng xúc phạm danh dự, nhân phẩm nàng dâu là phạm pháp chứ không phải chuyện nhỏ. Lẽ ra, cán bộ phường phải ghi nhận và hướng dẫn cụ thể nàng dâu phải làm như thế nào…

ĐỖ VĂN CỦA (4/4 KP Bình Hòa, phường Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương)

Cán bộ phường sai!

Cán bộ phường thay vì hướng dẫn chị A về cơ sở (tổ dân phố) để hòa giải bước đầu (Điều 15 LPCBLGĐ) mà lại từ chối bảo: “Chuyện nhỏ, về giải quyết nội bộ trong nhà với nhau” là… bó tay!
Việc anh cán bộ phường từ chối giải quyết và không hướng dẫn cụ thể càng làm cho hoàn cảnh chị A thêm căng thẳng. Về luật pháp, anh cán bộ phường vi phạm vào khoản 7 Điều 8 LPCBLGĐ vì không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

LÊ VĂN TRUYỆN (68/5 KP Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương)

Chị A đúng luật nhưng đừng bắt chước chị A !

Đọc Điều 13 LPCBLGĐ thì chắc ai cũng đồng tình với đáp án Kỳ 87 này, vì nó rất đúng luật. Cô dâu A bị mẹ chồng chửi mắng, cô thưa thì phường phải có trách nhiệm giúp đỡ giải quyết và xử lý bà mẹ chồng theo luật pháp. Anh cán bộ từ chối, ngoảnh mặt khi dân cần là sai!

Nhưng trên thực tế, nếu cô dâu nào bị mẹ chồng áp bức thì việc “thưa” mẹ chồng nên để ở giải pháp cuối cùng… vì khi đó cô sẽ mất đi nhiều thứ: Tình cảm với mẹ chồng không còn cứu vãn, có thể bị mất chồng, cô dâu và mẹ chồng khó có thể sống chung một nhà, mất tình cảm họ hàng nhà chồng, hạnh phúc gia đình tan vỡ và cô dâu sẽ mang tiếng xấu.

NGUYỄN CÔNG ÁI (Thị xã Thuận An, Bình Dương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm