Hậu À Ra Thế - Kỳ 88

Cán bộ giải thích A đã đến tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự rồi… Đề hỏi “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”. Đáp án của BTC cho là cán bộ đúng, A sai, vì Luật Nghĩa vụ quân sự (Điều 20) quy định: “Công dân nam đủ 17 tuổi trong năm đó phải đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự”…

Bạn thân mến,

Dù luật đã quy định vậy rồi mà lúc lâm trận không ít bạn đã đáp sai và sau khi có đáp án của BTC, nhiều bạn phản biện dữ dội. Sau đây là vài ý phản biện tiêu biểu; tuần sau ta tiếp tục cãi nhau và trên số báo Chủ nhật tới nữa sẽ có lời gút của BTC.

Tuổi “đủ” thì phải tính theo ngày, tháng

Tuổi “đủ” theo quy định pháp luật phải căn cứ vào ngày, tháng sinh của người đó để xác định. Chỉ khi nào sử dụng tuổi “từ” (không có chữ “đủ”) thì mới không tính ngày, tháng sinh chính xác. Do đó theo tôi, A phải đến ngày 15-6-2010 mới đủ 17 tuổi và sẽ đi đăng ký NVQS.

NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng Tư pháp huyện Lai Vung, Đồng Tháp)

Luật ghi: “Không tính ngày, tháng sinh” dễ hiểu hơn!

So ngày, tháng, năm sinh, tính đến thời điểm đăng ký thì A chưa đủ 17 tuổi, mà mới 16 tuổi 10 tháng. Do đó, A thắc mắc chưa hẳn đã sai. Nếu như điều luật ghi:… “Công dân nam giới đủ 17 tuổi, không tính ngày, tháng, năm sinh” thì chẳng ai thắc mắc làm gì!

NGUYỄN THẾ SƠN (CLB À Ra Thế Thuận An, Bình Dương)

Đáp án chưa thuyết phục

Đáp án của BTC giải thích từ “trong năm” được hiểu là vào ngày, tháng nào trong năm cũng được. Tôi không biết văn bản nào giải thích điều đó nhưng Nghị định 83 năm 2001 về đăng ký NVQS chỉ nói: “Tháng 4 hằng năm, theo lệnh gọi của chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm và những người trong độ tuổi làm NVQS…”. Như vậy, quy định chỉ áp dụng cho những người đã đủ 17 tuổi nghĩa là có ngày sinh trước hoặc trong ngày 15-4-1993 và những người đã quá 17 tuổi mà chưa đăng ký NVQS. Vì vậy, trường hợp này không thể nói A là “đủ 17 tuổi” được. Theo pháp luật về dân sự thì từ “đủ tuổi” phải tính cả ngày, tháng, năm sinh, cũng như quy định về tuổi bầu cử vào ngày 22-5-2011 công dân phải đủ 18 tuổi mới được đi bầu cử: đối với những người xác định được ngày, tháng sinh mà sinh sau ngày 22-5-1993 thì không đủ điều kiện đi bầu cử. Ở đây, A sinh ngày 15-6-1993 thì phải đến ngày 15-6-2010 mới đủ 17 tuổi.

HOÀNG TUẤN ANH (UBND xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Luật không đồng nhất

Điều 7, Nghị định 83/2001 ngày 9-11-2001 quy định: Công dân nam từ đủ 17 đến 45 tuổi phải đăng ký NVQS. Nhưng ở Điều 17 lại quy định dựa theo Điều 20 của Luật NVQS là: “Tháng 4 hằng năm… công dân từ đủ 17 tuổi trong năm phải đăng ký NVQS”. Hai quy định này không đồng nhất, dễ làm cho người dân nhầm lẫn là phải đủ 17 tuổi trở lên mới phải đi đăng ký.

TRẦN VĂN ÁNH (PGĐ Nhà VH thiếu nhi huyện Chơn Thành, Bình Phước)

Cán bộ cũng… không đúng!

Anh A thắc mắc là phải, vì anh ta chỉ biết là thanh niên đủ 17 tuổi phải đi đăng ký NVQS, nghĩa là sinh ngày nào thì đến đúng ngày đó mới đủ tuổi, chứ không biết là theo Luật NVQS thì đủ 17 tuổi trong năm, nghĩa là từ 1-1 đến 31-12 năm đó. Anh cán bộ áp dụng đúng luật nhưng khi giải thích thắc mắc cho A không rõ ràng, chỉ lệnh cho anh A phải có mặt đúng giờ để làm thủ tục. Vậy cũng là… không đúng!

HUỲNH HUY BÍCH (286/8 Minh Phụng, phường 2, quận 11, TP.HCM)

Ý kiến của người ra đề: Cần quy định dễ hiểu hơn!

Điều 7 Nghị định 83/2001/NĐ-CP quy định: Công dân nam giới từ đủ 17 tuổi đến hết 45 tuổi phải đăng ký nghĩa vụ quân sự (NVQS). Điều 20 Luật NVQS và Điều 17 Nghị định 83 lại quy định: Công dân nam giới từ đủ 17 tuổi trong năm phải đăng ký NVQS. Qua đó cho thấy pháp luật quy định về độ tuổi đăng ký NVQS khá phức tạp, dễ gây nhầm lẫn. Nên sửa lại bằng cách bỏ cụm từ “đủ 17 tuổi” và “đủ 17 tuổi trong năm”, thay vào đó dùng thống nhất một cụm từ “nam công dân 17 tuổi”, vừa dễ hiểu lại vừa đúng luật.

Ths. TRẦN TUẤN DUY(Trường Cán bộ TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm