Hẹp van tim chần chừ không mổ, 7 năm sau bị suy tim nặng

(PLO)- Bệnh nhân bị hẹp van tim cách đây 7 năm nhưng chỉ uống thuốc vì không có điều kiện mổ, dẫn đến suy tim nặng, thường xuyên ho ra máu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP.HCM thông tin về hai trường hợp mắc bệnh tim nặng, suy tim được cứu sống bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.

Mổ tim sau 7 năm phát hiện bệnh

Bệnh nhân ĐVT (43 tuổi, ngụ TP.HCM) phát hiện mắc bệnh hẹp van tim cách đây 7 năm. Lúc đó bác sĩ (BS) chỉ định mổ, nhưng vì chưa có điều kiện nên anh T cứ chần chừ…

“Trong thời gian đó tôi điều trị bằng thuốc theo đơn nhưng thường hay bị mệt, lâu lâu bị ngất, có khi ho ra máu rồi tự hết. Gần đây thấy ho ra máu liên tục nên tôi quyết định mua BHYT, vay tiền nhập BV Thống Nhất phẫu thuật” - anh T nói.

BS CKII Nguyễn Văn Bé Hai, Trưởng khoa Nội tim mạch (BV Thống Nhất), cho biết bệnh nhân T ho ra máu do hẹp van hai lá nặng, tăng áp động mạch phổi. Chưa hết, bệnh nhân còn bị rung nhĩ, có máu đông ở buồng tim, nguy cơ gây đột quỵ.

suy tim - 1
PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc BV Thống Nhất và BS Nguyễn Văn Bé Hai (bìa phải) thăm khám cho bệnh nhân suy tim. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vì tình trạng suy tim lúc đó rất nặng nên bệnh nhân chưa thể phẫu thuật ngay. Đến khi sức khỏe bệnh nhân tạm ổn, các BS mới hội chẩn và quyết định phẫu thuật thay van hai lá.

“Bệnh nhân mắc bệnh tim lâu năm, không được điều trị triệt để dẫn đến suy tim tiến triển nặng, điều trị rất khó khăn, đáp ứng điều trị kém. Dù được theo dõi nhưng bệnh nhân vẫn có những đợt ho ra máu, cần mổ sớm nhất có thể” - BS Bé Hai nói.

10 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ. Lúc vào viện bệnh nhân chỉ ngồi thì nay đã có thể nằm, được xuất viện vào ngày 12-4. Sau khi thay van tim nhân tạo, bệnh nhân phải tiếp tục uống thuốc chống đông.

Phương pháp phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân mắc bệnh tim được BV Thống Nhất triển khai năm 2018. Đến nay, phẫu thuật thay van tim, sửa van tim qua nội soi gần như được BV thực hiện thường quy. Có đến 80% các trường hợp bệnh tim được mổ bằng phương pháp này, bệnh nhân hồi phục rất nhanh.

PGS-TS-BS ĐỖ KIM QUẾ, Phó Giám đốc BV Thống Nhất, TP.HCM

Một bệnh nhân khác (61 tuổi) cũng vừa được phẫu thuật nội soi tại BV Thống Nhất. Theo BS Bé Hai, bệnh nhân trước giờ rất ít đi khám bệnh. Gần đây khi đi khám tổng quát được phát hiện hở van tim nặng, hở van hai lá 4/4 do đứt dây chằng lá sau của van hai lá.

Bệnh nhân được chỉ định nhập viện phẫu thuật để sửa van hai lá, tái tạo sợi dây chằng. Sau phẫu thuật, kiểm tra siêu âm tim kết quả rất tốt, không hở van tim.

“Vì ca này phát hiện sớm nên chưa diễn tiến suy tim, xử trí dễ hơn và bệnh nhân cũng nhanh hồi phục. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, dự kiến tuần sau xuất viện.

Ngoài ra, bệnh nhân có đặt vòng van nên sẽ uống thuốc chống đông khoảng ba tháng và điều trị những bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu” - BS Bé Hai cho hay.

suy-tim2.jpg
Bệnh nhân 61 tuổi được BS thăm khám sau phẫu thuật, dự kiến đầu tuần sau xuất viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tỉ lệ mắc suy tim ngày càng tăng

Theo BS Bé Hai, có nhiều nguyên nhân gây suy tim. Trong đó tỉ lệ suy tim do bệnh lý van tim, mạch vành khá nhiều, phải phẫu thuật. Phần lớn suy tim do các nguyên nhân khác sẽ được điều trị nội khoa.

Cạnh đó, tỉ lệ bệnh nhân bị suy tim càng lúc càng tăng còn do tuổi thọ trung bình càng lúc càng cao, càng có nguy cơ bị bệnh tim mạch.

“Suy tim là kết cục cuối cùng của bệnh tim. Nếu phát hiện bệnh tim sớm, điều trị kịp thời sẽ không dẫn đến suy tim. Bệnh tim mạch điều trị không triệt để hay quá muộn sẽ tiến triển suy tim mất bù, không thể điều trị. Bệnh nhân suy tim cấp, ho ra máu nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong” - BS Bé Hai cảnh báo.

PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc BV Thống Nhất, chia sẻ phẫu thuật tim, đặc biệt là tim hở đòi hỏi sự phối hợp của nhiều êkíp như phẫu thuật, gây mê, hồi sức, chạy máy tim phổi nhân tạo,…

Với hai bệnh nhân trên, các BS lựa chọn phương pháp phù hợp nhất là mổ ít xâm lấn, nội soi lồng ngực hỗ trợ do đường mổ ngắn, bệnh nhân ít mất máu, ít tổn thương, nhanh hồi phục.

Tuy nhiên, theo BS Quế, không phải tất cả các trường hợp đều có thể áp dụng phương pháp mổ nội soi. Có những trường hợp phải mổ hở để dễ xử trí các thương tổn, nói chung tùy từng bệnh lý mà BS chọn phương pháp phù hợp nhất.

Cũng theo BS Quế, trước đây những bệnh nhân suy tim ít có cơ hội được cứu sống. Hiện nay điều trị suy tim đã có nhiều tiến bộ (thuốc, dụng cụ điều trị hỗ trợ tim, cấy máy tạo nhịp hay ghép tim,…). Việc tầm soát và điều trị bệnh tim ở từng giai đoạn khác nhau đã giúp cải thiện được chất lượng sống cho bệnh nhân, kéo dài tuổi thọ.

BS Quế khuyến cáo người dân nên khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện bệnh tim nên đến BV chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời, đúng phương pháp, tránh diễn tiến thành suy tim.

Khi bệnh sớm được phát hiện và điều trị, chi phí sẽ thấp hơn và tránh được nhiều nguy cơ nguy hiểm tính mạng.

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy tim

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, những bệnh nhân suy tim thường hay bị mệt, tỉ lệ nhập viện tăng, phải đặc biệt chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Đối với bệnh nhân suy tim điều trị ngoại trú, BS sẽ chỉ định thuốc uống lợi tiểu. Trời nắng nóng khiến bệnh nhân mất nước nhiều hơn dẫn đến thiếu nước, dễ đưa đến tình trạng suy thận cấp. Vì thế phải chú ý uống đủ nước, đảm bảo lượng nước nhập và xuất.

Về chế độ ăn, không nên ăn quá no mà nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Việc đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng mùa nắng nóng giúp tăng cường sức khỏe, tránh bệnh tiến triển nặng.

BS CKII NGUYỄN VĂN BÉ HAI - Trưởng khoa Nội tim mạch BV Thống Nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm