Những ngày qua, dự thảo chương trình các môn học mới do Bộ GD&ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm, góp ý lẫn kỳ vọng của nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên (GV) lẫn phụ huynh học sinh (HS). Trong đó, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn và lo ngại vấn đề kiểm tra, đánh giá HS sẽ như thế nào. Liệu chương trình mới có thực sự giảm nhẹ áp lực học tập cho thầy lẫn trò?
Theo ThS Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), hiện nay Bộ chỉ mới đưa ra chương trình khung, còn kiểm tra, đánh giá thì chưa. Trong khi đó đây là khâu quyết định đến kết quả của chương trình đổi mới.
Vì vậy theo thầy Sơn, việc kiểm tra, đánh giá nên dựa trên khả năng tiếp thu, nhận thức của mỗi HS. Không nên lấy kết quả học tập của HS để đánh giá, xếp loại GV như cách làm hiện nay ở một số nơi khiến GV phải chạy theo thành tích.
Một giờ học liên môn lịch sử-địa lý của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM. Ảnh: P.ANH
Bên cạnh đó, cách kiểm tra, đánh giá HS cũng cần linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau. “Nhiều trường thực hiện dạy học theo dự án, một dự án kéo dài 5-6 tháng. Do đó cũng nên đánh giá các em qua các sản phẩm mà các em đã thực hiện tại các dự án để lấy điểm thay thế cho các bài kiểm tra. Cách làm này sẽ khuyến khích các em tham gia các dự án, kích thích sự sáng tạo của mỗi em” - thầy Sơn góp ý.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cũng cho rằng hiện vẫn kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết và thi học kỳ. Cách đánh giá này chưa phát huy được khả năng sáng tạo của người học.
Vị này dẫn chứng với bài tập về vẽ con mèo, theo cách đánh giá hiện nay nếu em nào vẽ giống thì điểm cao, em nào vẽ không giống sẽ bị điểm thấp. Nhưng kiểu cho điểm như thế chưa chính xác. Hay chuyện thằng Bờm với cái quạt mo, từ trước đến nay mọi người đều cho rằng Bờm ngốc. Nhưng nhiều khi chúng ta cũng cần nhìn lại vấn đề, liệu Bờm có ngốc nếu nhìn ở góc độ chân, thiện, mỹ hơn.
Hoặc khi sân khấu hóa một tác phẩm. Theo như chương trình mới, GV không thể chỉ đánh giá diễn xuất của nhân vật, mà nó là công sức của nhiều nhóm như nhóm biên kịch, diễn xuất, trang phục,… Vì thế khi đánh giá, GV cần đánh giá kết quả của các nhóm tùy theo công việc, thái độ, năng lực, đóng góp của từng nhóm. Phải nhìn trên tổng thể để thấy vai trò mỗi HS trong tác phẩm.
“Cấu trúc chương trình mới hướng nhiều đến người học. Vì thế cách đánh giá làm sao phải tôn trọng sự sáng tạo của HS. Thầy cô làm sao thoát khỏi cái tôi để trân quý thành quả của HS, từ đó khơi nguồn cảm xúc và động viên các em trong quá trình học tập” - vị này nói.
Một GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhận xét: Khi các môn học được xây dựng mở như dự thảo thì nên giao sự chủ động trong giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá cho từng trường, từng GV. Miễn là không xa rời yêu cầu đề ra theo quy định chung. Vì HS mỗi trường, mỗi lớp, mỗi địa phương đều khác nhau. Có như thế mới kích thích sự đổi mới trong giảng dạy, giảm tải cho cả thầy lẫn trò, HS cũng được học đúng và đánh giá đúng.