Thế nhưng cả Hữu Thắng lẫn Mạnh Cường đều bị đe dọa bởi hai cầu thủ rất “củi” nhưng đầy nhiệt tình và ít toan tính: Nguyễn Hồng Hải và Nguyễn Thiện Quang.
Hai trung vệ trên khi ông Weigang đưa lên đội tuyển thì lập tức gặp hàng loạt phản ứng mạnh bởi Hồng Hải rất “củi” và chỉ đá sức với sở trường duy nhất là bắt người. Tương tự, Thiện Quang nổi tiếng là trung vệ thiên về sức và giỏi phá bóng lẫn cản phá những tiền đạo giỏi của đối phương.
Hữu Thắng bây giờ chắc chắn vẫn không quên có những trận mà Hồng Hải và Thiện Quang dù không khôn bóng bằng anh những vẫn được ông Weigang cho lấy suất chính.
Trợ lý Trần Duy Long hồi đấy kể lại cái cách giao việc cho trung vệ “củi”: “Chỉ cần không cho tiền đạo đối phương nhận bóng hoặc cướp bóng rồi chuyền cho đồng đội ở vị trí gần nhất!”.
Sau này thì ông Weigang giải thích không hẳn là lúc nào cũng dùng trung vệ khéo, khôn ngoan nhưng ý chí không mạnh bằng những trung vệ chỉ giỏi phá bóng.
Giải đấy, báo chí Đông Nam Á ca ngợi hết lời cặp trung vệ Hồng Hải - Thiện Quang và cho đấy là phát hiện mới bởi chính họ đã làm liệt biết bao tiền đạo giỏi của khu vực.
Bây giờ, khi Hữu Thắng làm HLV trưởng thì anh lại vừa gọi bổ sung một cặp trung vệ mà một thì nhiều người còn chưa biết tên, còn một thì vừa trẻ vừa đá giải hạng Nhất: Đặng Quang Huy và Bùi Tiến Dũng.
Việc làm của Hữu Thắng khiến nhiều giới “sôi” lên dù chưa ai hiểu mục đích của HLV này có thể cũng giống với ông Weigang từng ứng dụng ở Tiger Cup 1996.
Cứ để Hữu Thắng làm phần việc của mình, bởi anh xuất thân là một trung vệ và có kinh nghiệm từ chính bản thân mình hơn ai hết. Hơn nữa HLV này cũng cần có nhiều phương án sau khi Quế Ngọc Hải dính chấn thương. Thậm chí việc gọi hai trung vệ ít có khả năng tranh chấp để thúc đẩy tinh thần tập luyện của các trung vệ còn lại cũng là một phương pháp trong công tác huấn luyện mà những người thầy của Hữu Thắng như Weigang, Riedl vẫn rất hay sử dụng.